Kỳ 1: Vĩnh Phúc trong dòng chảy “Văn minh sông Hồng” Tuần Văn hóa – du lịch Vĩnh Phúc sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 3 năm 2013 với mục đích tuyên truyền, quảng bá về vùng đất và con người Vĩnh Phúc- vùng đất địa linh, nhân kiệt có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng hành cùng việc tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các anh hùng, liệt sỹ - những người con của Vĩnh Phúc đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó tạo điểm nhấn Vĩnh Phúc trên con đường hội nhập và phát triển sau 15 năm tái lập, làm đúng lời Bác Hồ đã dặn khi về thăm Vĩnh Phúc năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Tuần Văn hóa – du lịch sẽ khơi gợi, tái hiện lại những hình ảnh, sự kiện lịch sử, văn hóa của vùng đất Vĩnh Phúc qua Đại lễ “Uống nước nhớ nguồn”; “lễ hội đường phố”; “lễ hội Tây Thiên”… và nhiều di sản văn hóa, ẩm thực từng vùng, miền đa dạng và phong phú nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của từng địa phương. Vĩnh Phúc là quê hương của người Việt cổ. Trong màn trình diễn “Lễ hội đường phố” của Tuần văn hóa - du lịch, Vĩnh Phúc đi theo chủ đề “Văn minh sông Hồng” này. Với vùng văn hóa đặc trưng của xứ Đoài, được dòng sông Hồng chia tách thành Vĩnh Phúc - bên bờ phía Bắc. Nền văn hóa ấy được manh nha, hình thành từ khi người Việt cổ thời Hậu kỳ đá cũ dần từ miền sơn cước dịch chuyển theo dòng chảy xuống vùng đồng bằng, cùng với các bộ tộc, bộ lạc khác nhau mà tạo nên nhà nước Văn Lang hay thực tế lịch sử được minh chứng qua kết quả khai quật và nghiên cứu từ hàng chục di chỉ khảo cổ trên đất Vĩnh Phúc mà tiêu biểu, xác thực nhất là qua bộ hài cốt người thời Phùng Nguyên với chiếc vòng trang sức đá và hàng vạn tiêu bản hiện vật gốc – công cụ lao động, phương tiện sống của con người đã phát hiện ở di chỉ Đồng Đậu (huyện Yên Lạc) năm 1999. Trong nhiều lần khai quật, tại di chỉ Đồng Đậu đã phát hiện phạm vi phân bố tầng văn hóa khoảng gần 4 ha bao gồm 4 giai đoạn văn hóa khảo cổ. Lớp sớm nhất dưới cùng là giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, tiếp theo là các lớp văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và tên cùng thuộc văn hóa Đông Sơn – 4 giai đoạn văn hóa khảo cổ nối tiếp nhau liên tục, không có thời kỳ gián cách. Nền văn minh sông Hồng gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc. Vĩnh Phúc nằm trong dòng chảy ấy với nhiều cuộc đấu tranh giữ nước. Từ Hát Môn, là nơi chứng kiến lời thề của Hai Bà Trưng đền nợ nước, trả thù nhà, để suốt một dải sông Hồng từ Mê Linh đến Yên Lạc, ngược Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch nay còn lưu dấu những di tích thờ Hai Bà và các tướng lĩnh như: Ả Nương, Ả Lã, Lê Thị Ngọc Chinh, Triệu Thị Khoan Hòa… (104 tướng lĩnh). Cuộc chiến của Lý Bí đánh giặc Lương thế kỷ VI theo suốt dải sông Cà Lồ với di tích đền thờ Lý Bí và phu nhân ở vùng Tiến Thắng, Đạo Đức rồi theo sông Hồng rẽ lên sông Lô đến vùng đầm hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Sông Lô). Thế kỷ X còn ghi dấu Nguyễn Khoan – một trong thập nhị sứ quân đã thống lĩnh một phần đất xứ Đoài bên tả ngạn sông Hồng, quy tụ nhân tâm, đồng lòng khai thác một vùng châu thổ sông Hồng suốt Vĩnh Tường, Yên Lạc. Vĩnh Phúc là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt chống quân Nguyên Mông thời nhà Trần. Trận chiến diễn ra ở Bình Lệ Nguyên (vùng sông Cà Lồ, đoạn qua khu vực Bình Xuyên) ngày 17/1/1258. Khu điền trang thái ấp của Trần Liễu cùng hàng chục di tích thờ Hưng Đạo Vương Quốc công Tiết Chế (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) và phần mộ Trần Quang Khải (xã Bình Định, huyện Yên Lạc) cùng với các di tích 7 anh em họ Lỗ - Thất Đinh Sơn (thành phố Vĩnh Yên) phò giúp triều Trần đánh giặc Nguyên Mông. Tất cả những trận chiến, những di tích còn lại đều in hằn những dấu ấn khó phai của nền văn hóa Việt. Từ vùng địa linh, văn hiến ấy đã sản sinh ra những thế hệ con người đã biết sống, biết xây dựng, đấu tranh giữ gìn hòa bình và bản sắc văn hóa của mình để lưu truyền hậu thế. Trong số các khai quốc công thần triều Lê, Trần Nguyên Hãn là một dũng tướng xuất thân từ vùng đất Vĩnh Phúc. Ông sinh năm 1390, mất năm 1429 vốn dòng dõi nhà Trần, là cháu bốn đời quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (đời vua Trần Nghệ Tông), là cháu bảy đời của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, ông được sinh ra ở đất Sơn Đông, Lập Thạch. Cuộc chiến 10 năm đánh đuổi giặc Minh, Trần Nguyên Hãn đã chứng tỏ là một vị tướng tài ba qua các chiến dịch mang tầm chiến lược. Được Lê Lợi tin dùng như là tâm phúc. Đến năm 1428, ông được phong là Tả tướng quốc. Trần Nguyên Hãn được tôn vinh là vị anh hùng dân tộc, đền thờ ông được lập trên nền nhà cũ của gia đình tại xã Sơn Đông. Chính vì vậy, trong Tuần văn hóa - du lịch, Đại lễ “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức uy nghi nhằm tri ân công đức của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn; đồng thời tri ân công đức các anh hùng, liệt sỹ, đồng bào , đồng chí đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc. Phần kịch bản khá hoàn chỉnh với việc rước chân hương từ 9 đền thờ lớn lên đàn như: đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng thị Tiêu, đền thờ Nguyễn Khoan, đền thờ Bà Ngọc Kinh công chúa, đền thờ Lỗ Đinh Sơn Thất vị Đại vương, đền thờ Đỗ Khắc Chung, đền thờ Ngô Tướng Công, đền thờ Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa… Kịch bản còn ghi rõ việc rước chân hương và anh linh các anh hùng liệt sỹ từ 9 nghĩa trang liệt sỹ của 9 huyện, thị, thành trong tỉnh lên đàn; tiếp đó thỉnh linh và rước linh Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn và các gia thần cùng nghi lễ cầu siêu. Bài, ảnh Thu Thủy (còn tiếp) |