Vĩnh Phúc được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo cổ ở Việt Nam. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nghệ thuật sân khấu chèo ở Vĩnh Phúc đã khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt, trường tồn với thời gian. Làn điệu chèo đã đi sâu vào đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân trong tỉnh.
Các diễn viên chèo không chuyên của Câu lạc bộ Văn hóa, thể thao người cao tuổi xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô hăng say luyện tập, chuẩn bị cho buổi biểu diễn giao lưu. Ảnh: Kim Ly
Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật chèo Vĩnh Phúc nằm trong chiếng chèo xứ Đoài, 1 trong 4 chiếng chèo cổ vùng chèo châu thổ Sông Hồng. Chèo xứ Đoài mang âm hưởng của hát xoan, hát dô, dân ca Phú Thọ và cò lả.
Những làn điệu hát chèo có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, là nét chấm phá độc đáo trong bức tranh văn hóa dân gian của Vĩnh Phúc.
Trải qua giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nghệ thuật chèo vùng châu thổ Sông Hồng nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã phần nào bị mai một.
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống, năm 2005, Đoàn nghệ thuật Chèo của tỉnh được thành lập trên cơ sở tiền thân là Đoàn Cải lương Vĩnh Phúc. Đoàn đã mời các nghệ nhân chèo và các nhạc công trong Câu lạc bộ (CLB) Chèo của tỉnh về truyền dạy các làn điệu dân ca chèo, xây dựng các trích đoạn chèo cổ cho lớp nghệ sĩ trẻ.
Nghệ thuật sân khấu chèo dần được khôi phục, những đêm biểu diễn chèo của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật Chèo thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức. Năm 2013, Đoàn nghệ thuật Chèo được đầu tư, nâng cấp thành Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc, có trụ sở làm việc khang trang và đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp.
Năm 2018, Nhà hát Chèo sáp nhập với Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc thành Nhà hát nghệ thuật tỉnh. Nhà hát đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn chèo có chất lượng, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, đạo diễn chèo của tỉnh tham gia các liên hoan, hội thi hát chèo cấp tỉnh, cấp quốc gia đạt được nhiều tấm huy chương danh giá.
Buổi biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật tỉnh tại nhà văn hóa thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường trong tháng 4/2022 đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương tới thưởng thức. Buổi biểu diễn có nhiều tiết mục hấp dẫn, được dàn dựng công phu, trong đó có trích đoạn “Việc làng” trong vở chèo cổ Quan âm Thị Kính.
Trích đoạn chèo được các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn chuyên nghiệp, lột tả được giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong tác phẩm, phản ánh bức tranh xã hội phong kiến mục ruỗng, đầy rẫy những bất công và ca ngợi phẩm chất tốt đẹp, cảm thương cho số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trích đoạn đã đem lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, khơi dậy sự yêu mến của người dân đối với nghệ thuật chèo truyền thống, đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng.
Ngoài ra, Nhà hát nghệ thuật tỉnh còn dàn dựng, biểu diễn các trích đoạn chèo cổ tại một số trường THCS trong tỉnh và triển khai xây dựng mô hình sân khấu nhỏ tại một số điểm du lịch trong tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá giá trị nghệ thuật sân khấu chèo Vĩnh Phúc tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các CLB chèo được thành lập và hoạt động sôi nổi, góp phần thúc đẩy nghệ thuật chèo ngày càng phát triển. Nghệ nhân ưu tú loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian (hát chèo) Ngô Thúy Tăng ở thôn Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô.
Bà Tăng hát chèo từ khi lên 10 tuổi, 15 tuổi bà đã trở thành diễn viên chèo chuyên nghiệp, công tác tại Đoàn Chèo Vĩnh Phúc. Sau khi về hưu, bà tiếp tục đem tình yêu nghệ thuật chèo trao truyền lại cho thế hệ trẻ và người dân xã Đồng Thịnh. CLB Văn hóa, thể thao người cao tuổi xã Đồng Thịnh có 59 thành viên thì có 20 thành viên là những diễn viên chèo không chuyên, do bà Tăng trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy.
Bà Tăng cho biết: “Ban đầu, khi mới học hát chèo, nhiều người thấy khó thì nản, nhưng khi đã “ngấm” chèo thì lại mê, không dứt ra được vì chèo là loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi với người dân quê. Các thành viên trong CLB đều say mê hát chèo, nhiệt tình tham gia các buổi luyện tập, biểu diễn tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên và giao lưu cùng các CLB hát chèo ở trong và ngoài tỉnh. CLB duy trì sinh hoạt hằng tuần, các thành viên tự đóng góp kinh phí mua nhạc cụ, trang phục để luyện tập, biểu diễn".
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều CLB hát chèo hoạt động hiệu quả như CLB Chèo - dân ca Ái Văn, Bá Cầu ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; CLB chèo các xã Đồng Cương, Nguyệt Đức, Tam Hồng, huyện Yên Lạc; CLB Chèo thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường… Nghệ thuật chèo ngày càng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, đem đến không khí vui tươi, rộn ràng chốn làng quê thanh bình.
Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý giá cho thế hệ mai sau, đưa phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Bạch Nga