Ngày 22/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 10, nghe chất vấn, trả lời chất vấn về công tác giải quyết KNTC; giải pháp tổng thể để giải quyết các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Nguyễn Văn Trì, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng chí Hồ Thị Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh chủ trì điểm cầu Vĩnh Phúc. |
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Theo kế hoạch năm 2011, 2012 đã được Chính phủ đồng ý, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động đầu tư SXKD, đầu tư dự án tại 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; kiểm tra trách nhiệm phòng chống tham nhũng của 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Qua đó phát hiện khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị thu hồi 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng); kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc. Về giải pháp tổng thể giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đồng chí Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Phải tập trung cho việc rà soát, phân loại, gải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài để giảm bớt số vụ việc và hạn chế tình trạng căng thẳng, bức xúc, làm ổn định tình hình và yêu cầu chính đáng của người khiếu nại. Đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, làm cơ sở để giải quyết trên nguyên tắc kiên trì trách nhiệm, có lý, có tình, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân để từng bước dứt điểm từng vụ việc. Tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, nhất là cơ chế và quy định về bồi thường GPMB. Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Chú trọng công khai, minh bạch, đối thoại dân chủ; kết hợp giữa giải thích, vận động, thuyết phục với tăng cường kỷ cương pháp luật… Về công tác phòng, chống tham nhũng, đại diện Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cho biết: Các bộ, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị, cơ quan báo chí, nhất là vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Tuy nhiên, công tác này chưa được thực hiện triệt để, mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng; xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn và xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đầy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biễn rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước TSVM; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đi đầu, làm trước và thật sự gương mẫu để cấp dưới và nhân dân noi theo. Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã giải trình, làm rõ một số ý kiến chất vấn của đại biểu. Tin, ảnh Triệu Ngọc Toàn |