Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có nguy cơ phát sinh thành dịch trong mùa mưa bão. Để phòng bệnh hiệu quả, cùng với việc phun thuốc diệt muỗi, tăng cường vệ sinh môi trường, tiêm vắc xin phòng SXH được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, tạo miễn dịch cộng đồng.
Người dân xã Hải Lựu (Sông Lô) chủ động phun thuốc khử khuẩn tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Kim Ly
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH là 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người; số ca mắc trên toàn cầu ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh lưu hành rộng rãi ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặc biệt là ở các quốc gia châu Á.
Nguyên nhân gây bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. SXH dạng nhẹ gây sốt cao, phát ban và đau cơ, đau khớp; dạng nặng có thể gây giảm huyết áp đột ngột và các biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận, sốc do mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, thậm chí tử vong.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 123 ca mắc SXH Dengue. Trong đó, số ca bệnh ghi nhận tại tỉnh là 82 trường hợp, số ca ngoại lai là 41 trường hợp. Phần lớn bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi, một số bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế.
Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 17 ổ dịch, các ca bệnh rải rác ở tất cả các huyện, thành phố. Một số trường hợp mắc trong thời gian gần đây là tại các huyện Sông Lô, Vĩnh Tường và Yên Lạc.
Sau mưa lũ, SXH có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan thành dịch, đặc biệt là tại các địa phương bị ngập lụt. Tháng 9 - 10 hằng năm cũng là thời điểm đỉnh dịch với số ca mắc tăng cao nhất, vì vậy, cần triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Bác sĩ Bùi Văn Hồng, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Tăng cường công tác phòng, chống, ngăn chặn bệnh SXH bùng phát mạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế tuyến huyện triển khai giám sát tình hình dịch bệnh, giám sát vector mật độ muỗi lưu hành tại các địa phương để kịp thời dự báo, phát hiện, xử lý ổ dịch.
Tại các địa phương bị ngập lụt, ngay sau khi nước rút, cán bộ y tế đã phun hóa chất diệt muỗi, hóa chất khử khuẩn môi trường Cloramin B; vận động người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng phế thải…”.
Nhân viên Trạm Y tế phường Hùng Vương (Phúc Yên) phun thuốc diệt muỗi tại các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Kim Ly
Tại các cơ sở giáo dục, để phòng SXH cho học sinh, các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, các em học sinh và phụ huynh học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Quế, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Liễn Sơn (Lập Thạch) cho biết: “Để công tác chăm sóc trẻ đạt kết quả cao, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú kết hợp với hoạt động tập luyện thể dục thể thao khoa học.
Đồng thời dọn dẹp, tổng vệ sinh khuôn viên nhà trường, khu vực xung quanh và phun hóa chất diệt khuẩn; thông tin kịp thời đến các bậc phụ huynh về diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh cho trẻ. Các cô giáo cũng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của trẻ để phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh...”.
Cùng với các giải pháp như dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, hiện nay, đã có vắc xin phòng SXH Q.Denga. Theo đại diện Trung tâm Tiêm chủng VNVC Vĩnh Yên, đây là loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ sống, giảm độc lực, tái tổ hợp, có khả năng chống lại cả 4 tuýp huyết thanh của vi rút Dengue.
Độ tuổi tiêm vắc xin là từ 4 tuổi trở lên, phác đồ tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tháng. Vắc xin này được lưu hành tại 40 quốc gia trên thế giới và đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại nước ta. Khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, vắc xin phòng SXH sẽ là giải pháp an toàn và hiệu quả nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Ngoài bệnh SXH, các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm da, cúm mùa… cũng có xu hướng tăng số ca mắc trong mùa mưa bão. Để tạo miễn dịch cộng đồng, người dân cần tăng cường nâng cao sức khỏe, khả năng miễn dịch, thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế. Khi có các dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Quỳnh Hương