Vụ mùa 2024, toàn tỉnh gieo trồng hơn 32.000 ha lúa, hoa màu. Thực hiện Văn bản số 1221 của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất ứng phó với bão số 3, Sở NN&PTNT, các công ty TNHH MTV thủy lợi và các địa phương đã khẩn trương tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng có nguy cơ mưa bão lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh, kịp thời.
Huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập úng nặng, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình giao thông, đô thị, khu công nghiệp trên đất lúa, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ thường gây ngập úng lâu ngày khi có mưa lớn.
Các địa phương trong tỉnh tập trung huy động máy móc khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Chủ động kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, đặc biệt sự bùng phát của sâu bệnh hại như rầy nâu, bạc lá... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Đối với cây rau màu, khuyến cáo người dân tập trung nhanh chóng thu hoạch phần diện tích đã đến kỳ thu hoạch. Đối với diện tích còn lại cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho, đất tránh bị nghẹt rễ, kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.
Đối với cây ăn quả, cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng, cắt bỏ phần ngọn, hạn chế chiều cao của thân chính nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; thực hiện chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế gãy, đổ; xẻ rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây.
Tin, ảnh: Mai Liên