Thời điểm này, các tuyến phố, đường làng trên địa bàn tỉnh đã được trang hoàng bởi những chiếc đèn lồng, đèn ông sao rực rỡ; cùng với các hoạt động rước đèn ông sao, múa lân... đã tạo nên bầu không khí rộn ràng, vui tươi cho các em thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu.
Những màn múa lân sư rồng rộn ràng mang lại không khí tươi vui cho trẻ em trước đêm hội trăng Rằm.
Khắp các tuyến phố, làng quê đã bày bán đủ loại đèn lồng, từ đèn ông sao truyền thống, đèn kéo quân, đèn con thỏ, cho đến những chiếc đèn lồng hiện đại mang hình dáng nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng... với các tông màu chủ đạo là đỏ, vàng, cam đã tạo nên không gian nổi bật, bắt mắt.
Tết Trung thu còn được gắn liền với những trò chơi dân gian như rước đèn ông sao, phá cỗ, múa lân, hoạt cảnh chú Cuội, chị Hằng... Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động rước đèn vào đêm trăng Rằm.
Những mô hình đèn Trung thu khổng lổ được mô phỏng theo các hình tượng nhân vật lịch sử, chuyện cổ tích, ngụ ngôn, các linh vật như cá chép vàng, rồng vàng, trâu, gà trống, chim công... được những "nghệ nhân" không chuyên tại địa phương thiết kế, sáng tạo bằng vật dụng như tre, nứa, giấy...
Từ nửa tháng nay, các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đã lên ý tưởng, chuẩn bị trang trí những chiếc xe mô hình đèn Trung thu với kích thước từ 3 - 10 m phục vụ các em thiếu nhi trong đêm hội trăng Rằm. Hiện, các mô hình được các tổ dân phố gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Tổ trưởng tổ dân phố Lạc Kiều cho biết: “Ngay từ tháng 7 âm lịch, tổ dân phố đã tổ chức họp bàn, thống nhất thiết kế hình tượng, xây dựng mô hình đèn Trung thu. Để mô hình đảm bảo các tiêu chí về thẩm mỹ cũng như chất lượng, tổ dân phố đã huy động, tập hợp những người làm nghề cơ khí cải tạo phần thùng xe cũ, cố định khung mô hình thật chắc chắn.
Sau khi phần khung xương đã hoàn thành, người dân cùng nhau dán bóng kính màu lên thân mô hình; trang trí hệ thống đèn led, bóng bay nhiều màu xung quanh xe rước. Đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ gắn kết cộng đồng dân cư mà còn gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho trẻ em địa phương cùng nhau phá cỗ trông trăng”.
Những ngày này, vào các buổi tối trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã rộn ràng không khí Trung thu với những đoàn xe mô hình cá chép, rồng vàng, ngôi sao… diễu hành trên các tuyến phố chính, quanh khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, phố đi bộ An Bình...
Cùng với đoàn xe diễu hành, những chú lân sư rồng đầy màu sắc, uyển chuyển theo từng nhịp trống, mang lại sự phấn khích, hào hứng cho người dân. Trẻ nhỏ thì say mê với từng bước nhảy, từng cú nhào lộn của chú lân, chú tễu; người lớn thì như được sống lại tuổi thơ của mình qua những màn biểu diễn đầy nghệ thuật, tất cả như hòa quyện trở thành một bầu không khí sôi động, mang lại niềm vui cho mọi người.
Anh Phùng Việt Đức ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương cho biết: “Những ngày cuối tuần, gia đình tôi thường đưa con đi xem rước đèn, các con đều rất thích thú, phấn khởi. Không khí náo nhiệt của ngày hội trăng Rằm không chỉ mang lại sự hào hứng đối với trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất mong chờ”.
Tết Trung thu với ánh trăng tròn và những chiếc đèn lồng rực rỡ là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng những giá trị truyền thống mà Tết Trung thu mang lại vẫn còn nguyên vẹn, là sợi dây kết nối tình thân, niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em vui chơi, mà còn là cơ hội để mỗi người dân nhìn lại, trân trọng những giá trị tinh thần sâu sắc và cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Bài, ảnh: Hương Giang