Đó là An Lăng - nơi chôn cất 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ Nguyễn Phúc Tộc. Ở đây cũng là nơi an nghỉ, thờ tự 3 vị vua nhà Nguyễn.
Di tích lăng Dục Đức (An Lăng) tọa lạc tại đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế là khu mộ chung của ba thế hệ làm vua triều Nguyễn, gồm vua Dục Đức (cha; 1852-1883), Thành Thái (con; 1879-1954) và Duy Tân (cháu; 1900-1945). Khu lăng mộ này được khởi công xây dựng vào năm 1899 dưới thời vua Thành Thái để thờ phụng vua cha là Dục Đức. Ngày 27-9-1997, Bộ Văn hóa và Thông tin có quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật.
An Lăng sau trùng tu.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực là điện Long Ân và lăng mộ vua cùng hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở đằng trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm.
Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Muốn vào lăng phải đi qua hai cổng tam quan, có mái giả bằng xi măng. Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Hai bên tả, hữu là mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Từ Minh.
Khuôn viên An Lăng nhìn từ trên cao.
Điện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm, là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có 3 án thờ thờ bài vị của các vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của hai ông vua Thành Thái và Duy Tân (được cải táng đưa từ Pháp về chôn cất năm 1987) - những người dám đổi ngai vàng để giành độc lập, chủ quyền cho dân tộc để rồi chọn cái chết và chôn trong những nấm mồ đơn sơ, giản dị như tấm lòng của hai ông.
Cổng vào An Lăng.
Trong khu vực này còn có mộ của các bà vợ vua Thành Thái như bà Hoàng quý phi Nguyễn Gia Thị Anh, bà Nguyễn Thị Định (mẹ vua Duy Tân) và bà Khoan Phi Hồ Thị Phương; mộ công chúa Lương Linh (em vua Duy Tân), mộ bà Mai Thị Vàng (cải táng) vợ vua Duy Tân và một số lăng mộ của các hoàng thân anh em với vua Duy Tân.
Khu vực An Lăng còn có 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ (Nguyễn Phúc Tộc).
Khu lăng mộ này có diện tích gần 6 ha, được khởi công xây dựng vào năm 1899 dưới thời vua Thành Thái để thờ phụng vua cha là Dục Đức. Sau đó, đến năm 1954, vua Thành Thái qua đời nên được đưa về An Lăng an táng. Năm 1987, di hài của vị vua yêu nước Duy Tân được đưa từ Pháp về an táng tại An Lăng cùng với cha Thành Thái và ông nội - vua Dục Đức.
Đứng trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng, năm 2017 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, phục hồi, tu bổ di tích này gồm các hạng mục khu tẩm điện, khu lăng mộ với kinh phí hơn 40 tỉ đồng và bắt đầu triển khai từ năm 2018.
Đến nay, dự án đã trùng tu các hạng mục như điện Long Ân (nơi thờ ba vua nhà Nguyễn), khu lăng mộ vua Dục Đức và đón du khách đến tham quan miễn phí từ đầu tháng 8.
Khu di tích An Lăng nằm ở trung tâm TP Huế, xung quanh có nhiều ngôi nhà sinh sống.
An Lăng - nơi an nghỉ của các vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Cổng vào An Lăng.
Điện Long Ân.
Nơi thờ các vị vua.
Một cổng vào.
Di tích sau trùng tu.
Điện Long Ân.
Bên trong Điện Long Ân.
Trụ biểu - một kiến trúc trong khuôn viên An Lăng.
(Theo 24h)