Nằm giữa sông Hậu, cù lao Mỹ Hoà Hưng còn được biết đến là cù lao ông Hổ, níu chân du khách bằng vẻ đẹp yên bình, mộc mạc.
Sáng tháng 12, trời bắt đầu những cơn gió đông mang không khí lành lạnh. Bến đò Ô Môi đưa khách sang cù lao với cảnh xuồng ghe tấp nập. Nằm cạnh chợ Long Xuyên sầm uất, bến đò cũng là bến tập kết nông sản, chủ yếu gồm khóm (dứa), khoai lang.
Cù lao ông Hổ nhìn từ trên cao.
Một vài xuồng ghe của người dân bên cù lao cũng vừa cập bến. Chiếc xuồng chòng chành trên sóng nước còn có chú chó nhỏ được chủ cho đi chợ cùng. Khung cảnh sông nước đậm chất miền Tây để lại cho người thưởng ngoạn ấn tượng khó quên.
Chuyến đò mất 20 phút để cập bến cù lao rộng hơn 21 km2. Cách đó một km là khu lưu niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với diện tích hơn 3.000 m2, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Khuôn viên khu lưu niệm mát mẻ với hàng cây xanh rợp bóng. Bên trong bố trí nhiều hiện vật, nhà sàn, nhà trưng bày gắn liền với cuộc đời cách mạng của Bác Tôn.
Khu lưu niệm Bác Tôn.
Mỹ Hòa Hưng còn tên gọi khác là lao ông Hổ bởi một sự tích truyền miệng trong dân gian về hổ trả ơn ân nhân cứu mạng. Câu chuyện mang màu sắc kì bí được kể lại với nhiều phiên bản khác nhau. Tương truyền, khi cồn nổi giữa sông Hậu nhiều lưu dân bắt đầu đến lập nghiệp, làm ăn. Hai vợ chồng nọ trong lúc đi bắt cá, lượm củi thấy chú hổ con vừa đói, vừa yếu ớt.
Thương con vật, họ mang về chăm sóc. Hổ lớn lên không hung tàn mà ngoan ngoãn ở với ông bà. Khi cả hai mất, hổ bỏ về rừng song hằng năm vào ngày giỗ đều mang những con thú mà nó săn được đến trước mộ ân nhân như một trả ơn. Về sau, hổ chết bên mộ ông bà, được dân làng chôn cất, lập nơi thờ ông Hổ. Ngày nay, ông Hổ được thờ tại Bửu Long Cổ Tự.
Một ngôi chùa khác trên cù lao cũng khá nổi tiếng là chùa Hưng Long nơi có hàng nghìn con dơi quạ trú ngụ. Chùa xây dựng cách đây hơn 200 năm đã qua nhiều lần xây mới, trùng tu. Phía sau chùa là hàng cây sao, gốc to một người ôm, phía trước là hàng cây dầu cao vút. Đàn dơi chọn những cây cao nhất để buông cánh, hễ có tiếng động chúng sẽ túa ra, tạo nên khung cảnh đẹp mắt. Sau vài vòng bay lượn như "thám thính" chúng quay về chỗ để tiếp tục giấc ngủ ngày.
Dơi quạ còn gọi là dơi ăn quả, cáo bay bao gồm những loài dơi lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Chúng có thể nặng tới 1,6 kg cùng khả năng di chuyển đáng kinh ngạc đến mức có thể được xem là "loài du mục". Bà Võ Thị Lên, đã tu học trong gần 50 năm trong chùa kể, đàn dơi bay về từ tháng 4 âm lịch, chúng đến từng tốp nhỏ, đông nhất vào 7-8 hằng năm và bắt đầu rời đi khi trời chuyển lạnh.
"Tới tháng chạp là chúng đi hết, mỗi năm chỉ ở lại chừng 6 tháng. Mặt chúng như con chó con chỉ khác là mỏ dài hơn còn tai nhỏ", bà nói và cho biết thêm dơi không phá phách, chúng bay rợp trời cũng tạo nên khung cảnh yên bình, thu hút du khách.
Dọc các tuyến đường làng người dân cũng bán nhiều loại bánh, chuối, mía và các thức quà quê. Bà Sáu Nhịn bán bánh tráng ven đường đã vài năm, thu nhập dù không cao song vui vì được chuyện trò với nhiều người. Bà thường chỉ dẫn các điểm tham quan trên cồn, những món ăn đặc sản cho khách. "Trên cồn không có trộm cắp, xe đậu ngoài đường để chìa khóa từ sáng tới chiều cũng không mất", bà Sáu nói.
Ông Hà với nghề làm nhanh truyền thống.
Tập kết nông sản ở bến đò Ô Môi.
Ngư dân bủa lưới trên dòng sông Hậu cạnh cù lao.
Đàn dơi quạ buông mình trên cây ở chùa Hưng Long.
Nơi thờ ông Hổ.
Từng ghé thăm cù lao, Võ Thụy Trúc My, sinh viên Đại học Cần Thơ, cho biết ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên, nét đẹp giản dị từ đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến và đầu tư tỉnh An Giang, cho biết Mỹ Hòa Hưng có các hoạt động du lịch như tham quan khu tưởng niệm Tôn Đức Thắng, khám phá vườn cây ăn trái, trải nghiệm đời sống nông dân. Theo ông Hiếu, cù lao tiến tới khai thác sâu các tour trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, du lịch sinh thái bên cạnh việc đầu tư hạ tầng và đào tạo nhân lực.
Nguyễn Thoa (Theo Vnexpress)