Triển khai Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và Nghị định số 60 của Chính phủ về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL, hiện nay, việc tự chủ tài chính tại các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Nhờ chủ động tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn luôn đảm bảo nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Ảnh: Chu Kiều
Toàn tỉnh hiện có 625 đơn vị SNCL, trong đó có 503 đơn vị SNCL cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, 122 đơn vị SNCL không cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị SNCL tự chủ tài chính (dự kiến là 160 đơn vị), đến nay, UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố mới giao tự chủ tài chính hoàn toàn cho 56 đơn vị SNCL. Như vậy, sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Qua rà soát, 90% đơn vị SNCL cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó, nhiều đơn vị có nguồn thu thấp, hoặc không có nguồn thu.
Đối với các đơn vị SNCL không cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, có hơn 50% số đơn vị không có khả năng tăng trưởng nguồn thu, do đó không tăng được mức độ tự chủ để chuyển sang đơn vị tự chủ chi thường xuyên trong giai đoạn đến năm 2025.
Ngoài ra, việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp công có nhiều hạn chế, nguyên nhân do chưa có chính sách thực sự hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, đặc biệt đối với các vấn đề doanh nghiệp quan tâm như đất đai, chính sách thuế, thủ tục hành chính…
Thêm nữa, phần lớn lĩnh vực hoạt động tại các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh chưa phải lĩnh vực dễ thu được lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện KT - XH phát triển, nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Hiện nay, số đơn vị SNCL hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chiếm 78% tổng số đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định UBND tỉnh đã phê duyệt mức độ giao tự chủ tài chính giai đoạn 2022 - 2025, chưa có đơn vị nào thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được phân loại mức độ tự chủ 100% chi thường xuyên.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, hợp nhất các đơn vị SNCL có tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, tinh giản các đơn vị SNCL hoạt động không hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, giảm bớt "gánh nặng" cho Nhà nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Là đơn vị SNCL trực thuộc UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn Đỗ Xuân Hoàng cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tự chủ tài chính, công ty tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với yêu cầu thực tế, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, người lao động.
Công ty hiện có 5 phòng chuyên môn và 10 xí nghiệp thủy lợi trực thuộc với mạng lưới thủy lợi không ngừng được mở rộng. Hiện nay, tổng diện tích phục vụ tưới tiêu của công ty đã đạt gần 80.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại 7/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tổng doanh thu của công ty đạt gần 80 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước gần 2,2 tỷ đồng. Công ty hiện đang tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động với thu nhập trung bình gần 7 triệu đồng/người/tháng”.
Theo kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đã được UBND tỉnh ban hành, trong năm 2024, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên sẽ thực hiện sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn.
2 đơn vị SNCL sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu, phát triển nông nghiệp, đồng thời, tiếp tục tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong việc tự chủ tài chính, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch có mục tiêu, lộ trình cụ thể về việc giao tự chủ tài chính đối với các đơn vị SNCL.
Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động của các đơn vị SNCL, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao mức độ tự chủ tài chính.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động tại các đơn vị SNCL, kịp thời khen thưởng, nhân rộng mô hình đơn vị SNCL điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về hoạt động tại các đơn vị SNCL.
Hoàng Sơn