Từ tăng trưởng âm những tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2024 có sự bứt phá với tổng dư nợ cho vay đến 31/12 ước đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023. Điều này không chỉ khẳng định sự nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng mà còn thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế; người dân, doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, UBND tỉnh về hoạt động tín dụng, tiền tệ, ngoại hối, ngay từ đầu năm, NHNN tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng, thực hiện nghiêm quy định về lãi suất, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm, tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay hạn hẹp khiến nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, thậm chí còn thu xếp để trả các khoản vay cũ.
Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt cho vay vì phương án, dự án sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả; tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp hạn chế; dòng tiền không ổn định, không chứng minh được nguồn trả nợ.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chịu áp lực nợ xấu tăng cao do nhiều khách hàng đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, tài chính nên ngân hàng thận trọng trong việc cấp tín dụng mới.
Đây là những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2024 thấp, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm. Cụ thể, hết quý 1/2024, tín dụng trên địa bàn giảm 0,54%, 6 tháng đầu năm 2024 tín dụng mới tăng 2,68%.
Trước thực trạng trên, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như giảm lãi suất, công khai lãi suất cho vay; thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng thêm đã được NHNN Việt Nam điều chỉnh; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng.
Đồng thời đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc thù như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn; chương trình cho vay 30 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực nông, thủy sản; chương trình cho vay nhà ở xã hội.
Tăng cường tổ chức các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
BIDV Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi. Ảnh Nguyễn Lượng
Từ tháng 6/2024, tín dụng trên địa bàn bắt đầu tăng trưởng trở lại và tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2024. Nếu tháng 6/2024, tín dụng mới tăng 2,68% thì đến tháng 9 đã tăng lên 6,5% và đến 31/12, dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 103 nghìn tỷ đồng, tăng 10,94% so với cuối năm 2023, dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 40.500 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cuối năm 2023.
Đáng mừng, chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86% tổng dư nợ); tỷ lệ cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống (chiếm 10,02% tổng dư nợ) và tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản (chiếm 11,82% tổng dư nợ) trong tầm kiểm soát.
Phân theo đối tượng vay vốn, dư nợ tập trung vào khu vực trọng yếu của nền kinh tế là cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm tỷ lệ 58,54% dư nợ) và khu vực doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 41,11% dư nợ), góp phần tạo ra giá trị sản xuất cho nền kinh tế.
Tiếp tục giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 11-13% năm 2025, NHNN tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đầy đủ, đúng tinh thần các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng.
Cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi, đặc thù như chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 (bão Yagi) như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới, hạ lãi suất... giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão.
Hồng Tính