Dù bé đã được chẩn đoán mắc căn bệnh này từ bào thai nhưng gia đình nghĩ không sao nên không theo dõi. Đến khi bé mệt mỏi và bụng phình rất to, cha mẹ mới đưa con đi khám thì bệnh đã rất nghiêm trọng.
Ngày 4/8, thông tin với phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp rất đặc biệt.
Bụng phình to, không thấy thận phải vì căn bệnh nguy hiểm
Bệnh nhi là bé gái 5 tháng tuổi (ngụ tỉnh Khánh Hòa), nhập viện với chiếc bụng rất to kèm ăn uống kém, mệt mỏi, thở mệt nhọc, không hoạt bát. Kết quả siêu âm cho thấy, bụng của bé có khối nước rất to, chiếm toàn ổ bụng, chỗ đường kính to nhất lên đến 80cm.
Đặc biệt, dù thực hiện nhiều chẩn đoán hình ảnh nhưng các bác sĩ không thấy thận phải của bé, nghi ngờ khối ứ nước khổng lồ chính là thận phải, khiến chức năng suy giảm trầm trọng.
Ngay lập tức, ekip điều trị tiến hành hội chẩn và cuối cùng chẩn đoán xác định: bệnh nhi bị thận ứ nước khổng lồ do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản bẩm sinh. Bé được lên kế hoạch phẫu thuật sớm để giải phóng tình trạng tắc nghẽn, nhằm hy vọng cứu thận phải.
Thận của bé gái biến thành khối ứ nước khổng lồ, phải phẫu thuật khẩn (Ảnh: BS).
Quá trình can thiệp, bệnh nhi được phẫu thuật chuyển lưu dòng nước tiểu ra da, nhằm giảm áp lực tối đa cho chủ mô còn lại của thận, cũng như cắt bỏ đoạn hẹp bẩm sinh giữa thận và niệu quản - nguyên nhân chính gây ra sự tắc nghẽn và lâu ngày gây mất chức năng thận.
Trong lúc mổ, khối nước ứ đọng gần 1,5 lít được lấy ra khỏi cơ thể em bé. Hậu phẫu, các bác sĩ vui mừng nhận thấy thận phải bé gái dần hồi phục, có sự bài tiết và sản xuất nước tiểu. Bé giảm 1kg sau mổ, bụng xẹp hẳn, ăn uống và thở trở nên dễ dàng.
Nhiều trường hợp bị "bỏ quên" vì người nhà chủ quan
Theo người nhà, trước đó bé đã được chẩn đoán bệnh thận ứ nước qua siêu âm trong thai kỳ, nhưng cha mẹ nghĩ không sao nên không theo dõi sau sinh. Chỉ đến khi thấy bé hay quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn, không hoạt bát và bụng to lên rất nhanh thì họ mới đưa con đi bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, siêu âm tiền sản giúp phát hiện rất nhiều dị tật bẩm sinh trong bào thai, có thể giúp chẩn đoán và điều trị bệnh thận ứ nước sớm hơn.
Thế nhưng rất nhiều trường hợp bị "bỏ quên", do tâm lý người nhà thấy bé vẫn đi tiểu và phát triển khá bình thường nên chủ quan. "Mỗi người có hai quả thận, nên khi một bên thận bị bệnh thì thận kia phải gồng gánh chức năng, cho đến khi không xử lý nỗi", bác sĩ Đức nói.
Trong lúc mổ, khối nước ứ đọng gần 1,5 lít được lấy ra khỏi cơ thể em bé (Ảnh: BS).
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chia sẻ thêm, hàng năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị hơn 100 trường hợp thận ứ nước. Tuy nhiên, thận ứ nước có kích thước khổng lồ và chức năng suy giảm nặng rất hiếm gặp, vì thông thường các bệnh nhi gặp phải tình trạng trên sẽ được phát hiện và can thiệp sớm.
Điều trị thận ứ nước phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Với trường hợp nhẹ, trẻ được theo dõi thường xuyên. Nhưng nếu ứ nước thận nghiêm trọng hơn, phẫu thuật sẽ được tính đến, như tạo hình lại khúc nối bể thận - niệu quản hẹp để khôi phục chức năng và ngăn ngừa tổn thương thận lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo, ứ nước thận là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bệnh diễn biến âm thầm, không rầm rộ, không nhiễm trùng tiểu, chỉ giảm chức năng thận.
Do vậy, cha mẹ cần nhận thức rõ tình trạng bệnh để tầm soát trước sinh, cũng như khám và theo dõi cho bé sau sinh tại chuyên khoa Thận - Tiết Niệu, để có hướng điều trị kịp thời.
Dương Chung (Theo dantri.com.vn)