Với mục tiêu cung cấp ngày càng nhiều rau, quả “xanh - sạch - an toàn” cho người tiêu dùng, Diệp Chi Farm ở thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) đang phát triển mô hình trồng cây thủy canh công nghệ cao theo hướng VietGAP. Từ đó không chỉ mang lại năng suất, chất lượng cao, tối ưu hóa lợi nhuận mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Mô hình trồng cây thủy canh của Diệp Chi Farm giúp tỷ lệ cây sống lên tới 95% so với canh tác bằng phương thức truyền thống.
Trồng cây thủy canh là phương pháp trồng không cần đất, cây được trồng trên giá thể, mọi dưỡng chất cung cấp cho cây đều được chuyển hóa thành dạng lỏng, trực tiếp hấp thụ từ môi trường nước pha dưỡng chất và khoáng chất theo tỷ lệ nhất định, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhận thấy trồng rau thủy canh không chỉ cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với hình thức truyền thống mà còn tiết kiệm diện tích và dễ dàng chăm sóc, cuối năm 2023, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi, anh Nguyễn Đức Toàn, thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà kính trên diện tích 400m2 để trồng những giống rau, củ, quả mới cho năng suất, chất lượng cao như dưa lưới Hami, dưa chuột Kichi Nhật Bản, cải ngọt Shika, cải Kale… với hệ thống thủy canh hồi lưu theo hướng VietGAP.
Bên cạnh đó, nông trại còn được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống quạt lưu thông gió để làm mát, điều hòa nhiệt độ; lắp đặt 2 giàn thủy canh; xây dựng bể dinh dưỡng cùng hệ thống lọc nước, ống nhỏ giọt, hệ thống tưới nước tự động… đảm bảo cho cây trồng phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Mô hình này đem lại nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Bởi, dinh dưỡng được cung cấp thông qua hệ thống tưới tự động nên ít tốn công lao động và giảm thiểu chi phí nhân công. Những yếu tố đầu vào được kiểm soát kỹ lưỡng nên chất lượng thành phẩm tốt, giá bán cao. Đồng thời, phương pháp này giúp hạn chế dịch bệnh, sâu bọ và rủi ro cho nông dân.
Có mặt tại nông trại, chúng tôi được tham quan khu vườn hơn 800 gốc dưa lưới trồng thẳng tắp, rợp màu xanh tốt. Tại đây, nước chứa dinh dưỡng nuôi cây được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó chảy xuống quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn kép kín; toàn bộ thông tin từ độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… đều được kiểm soát tự động, tạo môi trường tốt nhất cho cây phát triển.
Bên cạnh đó, anh Toàn còn tập trung xây dựng bộ quy tắc cho từng công đoạn, từ ươm giống, trồng trên giá thể, quá trình chăm sóc... đến thu hái, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, để cây trồng phát triển tốt, anh Toàn chú trọng 3 yếu tố: Nước, dinh dưỡng và giống.
Nông trại sử dụng giống nhập khẩu, được kiểm định chất lượng định kỳ. Mỗi giống cây trồng sẽ có một công thức pha chế dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Vì thế, anh Toàn kết hợp với các kỹ sư nông nghiệp Công ty cổ phần Công nghệ LISADO Việt Nam trong quá trình điều chế các dung dịch thủy canh với nồng độ chuẩn, an toàn tuyệt đối, mang lại sự phát triển tốt nhất cho cây trồng.
Rau, quả được trồng thủy canh cho năng suất cao hơn hơn từ 20 - 50%.
Nguồn nước tưới được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo độ pH phù hợp và không tồn dư kim loại nặng hay các độc tố khác. Với cách làm này, anh Toàn không chỉ gia tăng được năng suất cây trồng từ 20 - 50% mà còn cho thu hoạch sớm hơn từ 10 - 15 ngày so với cách làm truyền thống. Nhờ chất lượng nông sản tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm của nông trại thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Từ đầu năm đến nay, nông trại thu 3 vụ rau, 2 vụ dưa chuột và 1 vụ dưa lưới; với giá bán các loại rau từ 32 - 37 nghìn đồng/kg, các loại dưa từ 48 - 70 nghìn đồng/kg, đem lại doanh thu hơn 150 triệu đồng; sản phẩm bước đầu được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao.
Việc nhanh chóng gối vụ, sản lượng và năng suất đạt cao gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh cũng giúp nông trại quay vòng vốn nhanh, thuận lợi để tái đầu tư vào sản xuất. Dự kiến với 800 gốc dưa lưới đang trồng tại đây, đến khi thu hoạch liên tiếp trong vòng 2 tháng sẽ cho sản lượng đạt 1,6 tấn, mang lại cho gia đình anh Toàn doanh thu từ 65 - 70 triệu đồng/vụ.
Anh Nguyễn Đức Toàn, chủ nông trại cho biết: “Sau thời gian trồng rau, quả theo phương thức thủy canh, tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao.
Tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại rau, củ, quả để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời xây dựng hoàn thiện thương hiệu từ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, củng cố trang fanpage của nông trại trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhằm đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu trên nền tảng số”.
Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh Đỗ Quân Chính cho biết: Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu.
Nắm bắt xu thế này, mô hình trồng rau công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Đức Toàn không chỉ tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích, thân thiện với môi trường và còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, lan tỏa hình thức sản xuất nông nghiệp sạch và mở hướng đi mới mang hiệu quả kinh tế cho nhiều nông dân tại địa phương”.
Bài, ảnh: Ngọc Lan