Được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của huyện Sông Lô với định hướng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tích hợp không gian xanh, thân thiện với môi trường, tuy nhiên hiện nay, dự án Khu công nghiệp Sông Lô II gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đất san lấp trong quá trình triển khai thực hiện.
Khu công nghiệp Sông Lô II được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của huyện Sông Lô với định hướng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn...
Gặp khó vì không có đất san lấp
Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II được xây dựng trên địa bàn xã Đồng Thịnh và xã Yên Thạch, huyện Sông Lô với diện tích 165,65 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.500 tỷ đồng. Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư sẽ ưu tiên thu hút dự án ở các lĩnh vực như cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện, thiết bị cơ khí chính xác... Đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường.
... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất san lấp mặt bằng.
Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã và đang đẩy nhanh hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, triển khai 4 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu liên quan đến thi công đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật (đường ống nước thải, nước mưa, điện động lực, điện chiếu sáng…) và 1 gói thầu san lấp mặt bằng. Đồng thời chuẩn bị triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I với công suất 3.000 m3/ngày, đêm; bể chứa nước, trạm bơm phòng cháy, trụ sở văn phòng.
Với định hướng xây dựng Khu công nghiệp Sông Lô II trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn, chủ đầu tư đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để kiến tạo hệ sinh thái xanh, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các nhà đầu tư.
Thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa tích hợp không gian xanh, thân thiện với môi trường; có nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hiện đại, hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện nay, việc thi công dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp (đất, cát).
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho biết: Nền đất tại khu vực dự án thấp nên cần khoảng 4 triệu m3 vật liệu để san lấp, trong khi nguồn đất đắp khan hiếm, giá cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và chi phí xây dựng dự án.
Để sớm hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, công ty đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất được thăm dò, khai thác đất làm vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng dự án tại một số địa điểm. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn để dự án triển khai đúng tiến độ, là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Với năng lực, kinh nghiệm hiện có, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc tin tưởng dự án Khu công nghiệp Sông Lô II sẽ là bến đỗ, điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần giải pháp phù hợp
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Sông Lô hiện có 33 công trình, dự án đầu tư công cần sử dụng đất san lấp nhưng không có mỏ đất (vật liệu san lấp) nào được cấp phép hoạt động. Điều đó dẫn đến việc thực hiện thi công bị chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Liên quan đến nguồn tài nguyên cung cấp đất san lấp cho các công trình, dự án trên địa bàn huyện Sông Lô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Minh Đăng cho biết: "Trong phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện Sông Lô có 24 vị trí (nhỏ lẻ) thăm dò khai thác khoáng sản mới, trong đó chủ yếu là các vị trí khai thác đất làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc cấp phép để cung cấp đất nền cho dự án Khu công nghiệp Sông Lô II là không khả thi. Bởi lẽ, dự án không đáp ứng tiêu chí để cấp phép khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản".
Để đảm bảo nhu cầu sử dụng đất san lấp trên địa bàn huyện, đặc biệt là dự án Khu công nghiệp Sông Lô II, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh xem xét đồng ý về chủ trương cho phép Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc thực hiện thủ tục về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng khoáng sản (đất san nền) đủ điều kiện được phép khai thác và sử dụng trong phạm vi dự án theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010.
Yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc chỉ được phép khai thác, san gạt mặt bằng tại diện tích khu vực đã được UBND tỉnh giao đất theo quy định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ về đất đai, môi trường... trước khi thực hiện khai thác khoáng sản theo quy định; không được khai thác, vận chuyển khoáng sản (đất làm vật liệu san nền) ra ngoài phạm vi khu vực thực hiện dự án Khu công nghiệp Sông Lô II để phục vụ mục đích khác.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo thực hiện và xem xét cấp phép đối với các điểm mỏ đã được khảo sát trên địa bàn huyện Sông Lô, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 158 ngày 6/2/2024 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ