Phấn đấu sớm hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện Sông Lô triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng tốc giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, công trình. Qua đó, tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) thu hút các dự án công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao đầu tư vào huyện.
Huyện Sông Lô tăng tốc giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Sông Lô II, sớm hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư.
Huyện Sông Lô được quy hoạch phát triển KCN Sông Lô I (thuộc các xã Đồng Thịnh, Đức Bác, Tứ Yên), Sông Lô II (thuộc xã các Đồng Thịnh, Yên Thạch) và các cụm công nghiệp (CCN) Đồng Thịnh, Hải Lựu, với tổng diện tích hơn 350 ha.
Các dự án đều được thành lập từ trước năm 2021, song đến nay mới có KCN Sông Lô II được khởi công xây dựng vào tháng 5/2023. Có thể thấy, những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB đang là rào cản lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Quyết tâm tạo quỹ đất sạch giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng các KCN, chính quyền huyện Sông Lô quyết liệt vào cuộc. Ngay từ đầu năm, huyện giao chỉ tiêu nhiệm vụ về GPMB cho người đứng đầu các phòng ban, UBND các xã, thị trấn; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vai trò của các dự án trong phát triển kinh tế, tập trung chỉ đạo thực hiện, xử lý các tồn tại, vướng mắc về đất đai, hỗ trợ GPMB, tái định cư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Xã Tứ Yên đang triển khai GPMB với tổng diện tích gần 78 ha, trong đó riêng diện tích thuộc KCN Sông Lô I là hơn 54 ha. Với sự nỗ lực từ chính quyền xã, Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện, công tác GPMB dự án KCN Sông Lô I đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, xã đã chi trả, bồi thường GPMB được 25,4 ha với số tiền hơn 51,5 tỷ đồng, 27 ha trong dự án cơ bản hoàn thiện thủ tục, ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB, chờ chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí để chi trả.
Các diện tích còn lại gặp khó khăn do thông tin trên bản đồ giải thửa chưa chính xác; việc ghi chép, sao chép các loại sổ lưu trữ tại xã không đồng bộ; các phần diện tích đất chia cho các hộ phát sinh trước đây không cập nhật vào sổ sách, giấy tờ khiến việc xác minh, đối chiếu diện tích, quỹ đất, loại đất của từng hộ mất rất nhiều thời gian.
Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Yên Nguyễn Hồng Quang chia sẻ: Ngay khi có chủ trương GPMB KCN Sông Lô I, xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của người dân có diện tích đất trong diện thu hồi.
Để hỗ trợ đơn vị thực hiện GPMB, UBND xã chỉ đạo cán bộ địa chính phối hợp với đơn vị đo đạc bản đồ và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác định, điều chỉnh lại bản đồ đất rừng, đất nông nghiệp đã công khai để hoàn thiện hồ sơ; phân công nhiệm vụ cho các trưởng thôn phối hợp với cán bộ địa chính xã và các hộ dân thống nhất về phần diện tích chia thêm.
Dự án CCN Đồng Thịnh có tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng, diện tích 13,6 ha thuộc xã Đồng Thịnh. Đến thời điểm hiện tại đã lập xong phương án bồi thường, GPMB 13,42 ha, đã ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, GPMB được 13,32 ha, đạt 97,7%.
Chia sẻ về công tác GPMB, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh Nguyễn Thành Trung cho biết: Do giá đền bù đất vườn ở mức thấp hơn đất nông nghiệp nên một số hộ dân chưa đồng ý; công tác quy chủ, kiểm đếm gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực mỏng trong khi khối lượng công việc cần xử lý hàng ngày lớn. Cùng với đó, tài liệu hồ sơ địa chính, bản đồ đang sử dụng trước đây chưa chính xác, chưa chi tiết công tác lưu trữ tài liệu chưa đầy đủ, việc chỉnh lý biến động về đất đai không kịp thời dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất còn chậm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Sông Lô đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, có vai trò tạo liên kết vùng, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế giao thương phát triển.
Các dự án quy mô như cải tạo, nâng cấp ĐT.306, đoạn từ nút giao với đường Văn Quán - Sông Lô đi cầu Vĩnh Phú; cải tạo, nâng cấp ĐT.307, đoạn từ Km26+400 đến Km31+200 địa phận huyện Sông Lô; đường từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô… tiến độ triển khai còn chậm do vướng mắc về công tác bồi thường, GPMB.
Phó Trưởng ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện Sông Lô Nguyễn Thế Phương cho biết: Để công tác bồi thường, GPMB đạt hiệu quả cao, sớm bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, UBND các xã cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân có đất trong diện thu hồi được biết.
Từ đó giúp người dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, đồng thuận, tạo điều kiện cho cán bộ địa chính xã, thành viên Tổ giúp việc GPMB các dự án nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về đất đai, hướng tới hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, trở thành vùng đất giàu tiềm năng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Chu Kiều