Chớm vào mùa du lịch mà giá vé máy bay đã tăng liên tục khiến nhiều người băn khoăn đến mức bức xúc. Thống kê mới nhất cho thấy, có những tuyến bay nội địa giá vé lên tới 10 triệu đồng/cặp vé khứ hồi cho hạng phổ thông, 26 triệu đồng/cặp hạng thương gia. Thực trạng này không chỉ khiến khách hàng đi máy bay thiệt thòi mà còn cho thấy nhiều bất cập lớn ẩn chứa đằng sau.
Khác với hình ảnh đặc kín người thường thấy tại các nhà ga sân bay nội địa, giá vé máy bay quá cao đã làm giảm sút đáng kể lượt hành khách mua vé. (Ảnh chụp tại sân bay Cần Thơ tối 7/4)
Lý giải về nguyên nhân vé máy bay trong nước có giá quá cao, đại diện nhiều hãng bay cho rằng hầu hết đều bắt nguồn từ yếu tố khách quan. Đó là việc thiếu máy bay nên phải thuê “ướt” (thuê cả máy bay và phi hành đoàn) nên chi phí đội lên cả trăm nghìn USD/tháng. Hay số lượng máy bay gần như cố định trong khi mùa cao điểm, lượng khách hàng tăng đột biến khiến cung không đủ cầu dẫn đến giá thị trường tăng theo. Rồi giá nhiên liệu tăng cao, chi phí vận hành lớn nên không thể không tăng giá vé để hạn chế… thua lỗ.
Chưa bàn sâu về nguyên nhân giá vé máy bay nội địa tăng cao, chỉ nói về hệ lụy từ việc này chúng ta đã thấy nhiều vấn đề không ổn. Điển hình nhất là dù rất muốn đi du lịch nhưng riêng tiền vé đi lại đã mất quá nửa, thậm chí tới 2/3 chi phí cho cả chuyến đi khiến một số lượng đáng kể du khách “quay đầu”, chọn phương án ở nhà hoặc du lịch gần nhà bằng phương tiện mặt đất cho rẻ.
Tiếp đó, một bộ phận không nhỏ người dân khác lại lựa chọn du lịch nước ngoài bởi khi đối chiếu, chi phí cho những chuyến đi này rẻ hơn khá nhiều so với trong nước, trong khi điểm đến lại mới lạ và nhiều khi hấp dẫn hơn đáng kể. Khi đó, du lịch trong nước vừa mất đi cơ hội kiếm tiền, đất nước lại hao phí một nguồn kinh phí khá lớn do người dân bỏ tiền chi tiêu ở nước ngoài.
Đặc biệt, các khu du lịch trọng điểm trên cả nước dù bỏ ra nguồn kinh phí khổng lồ để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng “đói” khách chỉ vì một lý do lãng xẹt là chi phí đi lại quá đắt khiến cơ hội cất cánh, phục hồi sau đại dịch Covid-19 ngày càng lùi xa…
Phải chăng tình trạng giá vé máy bay nội địa ngày càng tăng chóng mặt bắt nguồn từ tư duy ăn xổi, kiểu tham bát bỏ mâm. Rằng đã kinh doanh thì bất biết lý do gì, cứ phải có lãi cái đã, còn lại sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Nói đến đây, có lẽ cần nhắc lại câu chuyện Chính phủ Singapore trải thảm đỏ cho chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift. Theo đó, dù phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh trong khu vực Đông Nam Á để mời nữ ca sĩ này về nước mình biểu diễn, nhưng Singapore đã giành chiến thắng thuyết phục bởi tư duy khá đặc biệt.
Cụ thể, thay vì tính toán mức giá ưu đãi dành cho nữ ca sĩ và đội ngũ cộng sự (chi phí ăn, ngủ, thuê địa điểm và trang thiết bị biểu diễn) như thông lệ, Chính phủ Singapore mời hoàn toàn miễn phí toàn bộ đội ngũ tham gia lưu diễn, từ chỗ ăn, nghỉ cho đến thuê cả chuyên cơ đón đoàn đến tận nơi biểu diễn.
Thậm chí, không những không thu phí, Chính phủ Singapore còn hành xử kiểu “ngược đời” khi bồi dưỡng mỗi đêm diễn của đoàn từ 2 - 3 triệu USD. Tổng cộng, chuyến lưu diễn chỉ kéo dài 6 đêm của Taylor Swift ngốn của ngân sách Singapore tới hơn 20 triệu USD.
Tuy nhiên, cái kết của sự kiện này khiến không ít quốc gia trên thế giới phải ngã ngửa. Đó là chỉ nhờ vào sự kiện duy nhất này, đảo quốc sư tử thu về gần 500 triệu USD từ du khách. Chủ yếu là tiền vé máy bay, chi phí đi lại, ăn ngủ, mua sắm trong thời gian lưu trú của du khách.
Trở lại câu chuyện giá vé máy bay nội địa của chúng ta quá cao do nhiều nguyên nhân khách quan. Cứ cho rằng những nguyên nhân ấy là xác đáng đi nữa, tại sao các hãng bay không bắt tay với chính quyền và doanh nghiệp làm du lịch tại các khu du lịch trọng điểm để chia sẻ khó khăn, cùng tìm hướng giải quyết?.
Tại sao Nhà nước không vào cuộc, thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí vận hành, trợ giá vé mời gọi du khách cả trong và ngoài nước để kích cầu du lịch nội địa?.
Thiếu một cái nhìn toàn cục dẫn đến chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà quên cái lợi lớn lâu dài chính là tham cái bát nhỏ nên mất cả mâm to.
Biết là muộn còn hơn không, thay đổi vẫn còn kịp. Có điều có muốn và có dám thay đổi hay không mới là vấn đề.
Bài, ảnh: Quang Nam