Với mục tiêu trở thành thị xã đặc sắc về du lịch vào năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Đảo đã, đang và tiếp tục chung sức, đồng lòng triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện các tiêu chí. Trong đó, việc quy hoạch hạ tầng, đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm phục vụ du lịch được địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Sân golf Tam Đảo - điểm đến lý tưởng của nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Trường Khanh
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, từ một huyện nghèo, Tam Đảo vượt lên trở thành địa phương có tốc độ tăng giá trị sản xuất khá cao, bình quân đạt 13,12%/năm.
Giá trị sản xuất bình quân đầu người tăng từ 5 triệu đồng (năm 2004) lên 90,1 triệu đồng (năm 2023). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2004 là 42,5 tỷ đồng, đến năm 2023 đạt 1.825 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 40,18%, đến thời điển này còn 0,78%.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, khi nói đến Tam Đảo là nói đến những thế mạnh về du lịch. Tam Đảo có quần thể di tích Khu di tích danh thắng Tây Thiên được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia năm 2022 và được tổ chức World Travel Awards bầu chọn “Thị trấn Tam Đảo - Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới”.
Sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo, hạ tầng du lịch… đã giúp Khu du lịch Tam Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Ảnh: Trường Khanh
Chính vì vậy, việc định hướng xây dựng huyện Tam Đảo trở thành thị xã đặc sắc về du lịch sinh thái tâm linh của vùng và cả nước vào năm 2025 là chủ trương đúng đắn, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Theo đó, huyện Tam Đảo có 5 địa phương sẽ xây dựng trở thành phường gồm: Thị trấn Tam Đảo, Hợp Châu, Đại Đình, Hồ Sơn, Tam Quan. Thị trấn Tam Đảo sẽ là điểm nhấn quan trọng. Bởi nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình; thời tiết, khí hậu quanh năm mát mẻ, không thua kém những điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt.
Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo đã và đang tiếp tục làm tốt công tác quản lý quy hoạch cũng như tiến hành thực hiện quy hoạch phát triển nhiều dự án lớn, trọng điểm. Trên địa bàn có nhiều dự án đầu tư trực tiếp thúc đẩy phát triển du lịch đang được đẩy nhanh tiến độ như: Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, sân golf, khu nghỉ dưỡng Tam Đảo I, II... với tổng kinh phí dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Thị trấn Tam Đảo được đầu tư xây dựng các resort, khách sạn tổ hợp 4 sao, với hơn 2.000 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu du khách.
Để xứng tầm với dáng vóc của một thị xã trong tương lai, địa phương đã và đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực hoàn thành Khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên – quần thể du lịch văn hóa tâm linh và bảo tồn các công trình văn hóa tâm linh, sân lễ hội, công viên kết hợp các công trình dịch vụ thương mại, quy mô 48 ha.
Từ nay đến năm 2025, theo quy hoạch được duyệt, Tam Đảo tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành các dự án, gồm: Khu du lịch Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 (bao gồm cả ga cáp treo). Khu du lịch Bến Tắm với chức năng là du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, văn hóa, vui chơi giải trí và hội nghị, hội thảo. Khu du lịch cộng đồng (homestay) tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo. Khu du lịch sinh thái hồ Xạ Hương - xã Minh Quang…
Cảnh quan hấp dẫn du khách ngay khi vừa đặt chân đến Khu danh thắng Tây Thiên. Ảnh: Trường Khanh
Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch Đỉnh Mỏ Quạ, xã Hồ Sơn - Minh Quang; Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe hồ Vĩnh Thành và Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Mỏ tại xã Đạo Trù. Tất cả sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng, sinh thái với các trung tâm giải trí, trải nghiệm có không gian làng quê yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, hấp dẫn với du khách.
Để hoàn thiện hạ tầng quy mô theo đúng tiến độ đề ra, Huyện ủy, UBND huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên tuyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong nhân dân.
Trước mắt, tập trung cao độ vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu du lịch Tam Đảo I, Tam Đảo II, Trung tâm văn hoá lễ hội Tây Thiên và vùng phụ cận ven chân núi Tam Đảo. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các dự án tiếp theo, từng bước hình thành dáng dấp của một thị xã du lịch trong tương lai.
Lê Minh