Năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng vượt bậc, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, hạ tầng du lịch được cải tiến đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Đây chính là tiền đề để du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục tạo ra đột phá trong năm 2025, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Trên địa bàn thành phố Phúc Yên hiện có 20 doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, gần 1.200 hộ kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống. Lượng khách đến tham quan du lịch trên địa bàn thành phố trong năm 2024 ước khoảng 1,5 triệu người, doanh thu đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023.
Để bảo đảm cho du lịch phát triển bền vững, thành phố Phúc Yên đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nếp sống văn minh tại các khu du lịch.
Tăng cường quảng bá, phát triển du lịch; xây dựng đề án phát triển du lịch, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông thu hút các nhà đầu tư; tăng các tuyến phục vụ du lịch từ Đại Lải kết nối với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Được biết đến là Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh với nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc, bất động sản, Flamingo Đại Lải Resort, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đã trở thành khu du lịch hấp dẫn du khách với các dịch vụ đẳng cấp như nghỉ dưỡng, du lịch hồ, sinh thái, ẩm thực, hội nghị, hội thảo...
Chương trình "Festival Đại Lải 2024" thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm tại Flamingo Đại Lải Resort. Ảnh: Huyền Linh
Trong năm 2024, Flamingo Đại Lải Resort đã tổ chức hàng loạt sự kiện và hoạt động ấn tượng, không chỉ mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho du khách mà còn góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Tiêu biểu như các sự kiện: “Festival Đại Lải 2024” hướng đến kỷ niệm 119 năm ngày thành lập đô thị Phúc Yên; lễ hội đường phố Lala Town; show ca nhạc “Soul of the Forest” - Chương trình nghệ thuật độc đáo giữa không gian thiên nhiên được tổ chức thành công với 3 show diễn đều kín khách… và còn nhiều chương trình đặc biệt hấp dẫn khác.
Kết quả, trong năm 2024, Flamingo Đại Lải đón khoảng 100.000 lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế chiếm gần 5,2%. Đây cũng là tiền đề khẳng định sức hút của Flamingo Đại Lải Resort nói riêng và du lịch tại thành phố Phúc Yên nói chung đang là một bước tiến quan trọng trong việc quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương.
Thị trấn Tam Đảo hiện có gần 200 cơ sở lưu trú, hàng chục khách sạn cao cấp từ 3 sao đến 5 sao với gần 100 nhà hàng cùng 3.500 phòng lưu trú có thể phục vụ gần 1 vạn khách/ngày, đêm.
Trong năm 2024, để đẩy mạnh các hoạt động thu hút khách du lịch, UBND thị trấn đã phối hợp cùng các ban ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…phối hợp tổ chức các chương trình như lễ hội tuyết, lễ hội bong bóng, bắn pháo bông vào các kỳ nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5, 2/9; show trình diễn thời trang “Người gốm kể chuyện”; tổ chức thành công lễ kỷ niệm 120 năm – Thị trấn Tam Đảo hình thành và phát triển.
Đây cũng là sự kiện tạo điểm nhấn góp phần khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, thu hút khách du lịch cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của thị trấn Tam Đảo đến với du khách trong và ngoài nước.
Thị trấn tam Đảo tiếp tục được tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2024. Ảnh: Thế Hùng
Đặc biệt, trong năm 2024, thị trấn Tam Đảo tiếp tục được tổ chức World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Tam Đảo trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Với những kết quả đạt được, năm 2024, thị trấn Tam Đảo đón trên 418.000 lượt khách, tăng 14,6% so với năm 2023; lượng khách lưu trú qua đêm trên 135.000 lượt, tăng 20,2% so với năm 2023; thị trấn đã đón trên 2.500 lượt khách quốc tế, tăng hơn 3 lần so với năm 2023. Ước doanh thu từ dịch vụ du lịch trên địa bàn thị trấn năm 2024 đạt hơn 220,5 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 570 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 10.400 phòng. Trong đó có 5 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 44 khách sạn 2 sao; 15 khách sạn 1 sao và 496 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 50%.
Hiện có 23 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 8 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 15 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa với thị trường khách du lịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu.
Năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc ước đón 10,6 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2023 và đạt 100% kế hoạch năm đề ra. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 90.000 lượt khách; khách nội địa ước đạt 10,5 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 100% kế hoạch năm.
Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc Đỗ Hoàng Dương cho biết: “Trong năm 2024, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, đa dạng, đồng thời ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội. Các doanh nghiệp du lịch luôn chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Công tác xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, có nhiều hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch đã được khai thác và tổ chức hiệu quả tại các điểm du lịch, có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá du lịch Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh”.
Năm 2025, du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đón trên 12 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế phấn đấu đón trên 10.000 lượt; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định rõ phải thúc đẩy ngành du lịch trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch golf, hội nghị, hội thảo, văn hóa, sinh thái, du lịch mạo hiểm; tăng cường khai thác tiềm năng du lịch tại các vùng đặc trưng, đặc biệt là khu vực các xã dưới chân núi Tam Đảo và các khu di sản văn hóa của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến, hỗ trợ khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp đảm bảo tính bền vững, định hướng phát triển xanh trong các mô hình kinh doanh du lịch.
Tăng cường xúc tiến và quảng bá du lịch, tổ chức các chiến dịch quảng bá tập trung vào thị trường trong nước và quốc tế tiềm năng. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực…
Huyền Linh