Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, công tác tái đàn vật nuôi đã được các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường gắn với việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) trong giai đoạn chuyển mùa.
Ông Đỗ Quang Trung, thôn Phúc Lai, xã Thanh Vân (Tam Dương) sử dụng bóng đèn để sưởi ấm cho đàn gà hơn 2.000 con mới nuôi sau dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Lượng
Xã Thanh Vân được biết đến là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi của huyện Tam Dương với quy mô hàng triệu con GSGC các loại. Trong đó, có nhiều trang trại nuôi gia cầm lớn, quy mô từ 2.000 con trở lên.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một lượng lớn đàn GSGC của xã đã được xuất bán, phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng cao của người dân trong dịp Tết. Do vậy, hiện tại, nhiều trang trại, hộ trên chăn nuôi trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh tái đàn nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường sau Tết.
Trời ấm áp, thuận lợi cho vật nuôi phát triển, ngày mùng 9 tháng Giêng mới đây, gia đình ông Đỗ Quang Trung, thôn Phúc Lai, xã Thanh Vân đã thực hiện úm, tái đàn gà giống Ai Cập siêu trứng với quy mô 2.000 con.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Trung đã xuất bán hơn 2.000 con gà thịt. Song, theo ông Trung, do giá cám cao và với giá bán gà thịt mới chỉ đạt 55 nghìn đồng/kg nên lợi nhuận chăn nuôi không lớn; do đó, việc tái đàn cũng cần thận trọng hơn để hạn chế tình trạng thua lỗ, cung vượt quá cầu.
Bên cạnh đó, do hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ lên xuống thất thường, ảnh hưởng tới sức đề kháng của đàn vật nuôi, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh cao. Chính vì vậy, ngoài việc duy trì vệ sinh chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, ông Trung chú trọng bổ sung các loại vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn hằng ngày và sử dụng bóng đèn để sưởi ấm cho đàn gà mới nuôi.
Ngay sau khi xuất bán toàn bộ đàn gà gần 1.000 con và chục con lợn thịt trong dịp cận Tết, gia đình anh Nguyễn Minh Ba, xã Cao Phong (Sông Lô) đã tiến hành dọn dẹp toàn bộ khu vực chuồng trại, rắc vôi, khử trùng tiêu độc để tái đàn. Tuy nhiên, do giá lợn hơi cùng giá trứng, gà thịt xuất bán vẫn còn ở mức thấp nên anh Ba cho biết sẽ không ồ ạt vào đàn với số lượng lớn.
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn GSGC như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng... diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước cùng giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao trong khi giá bán ra một số sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, trứng... ở một số thời điểm thấp.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn có sự phát triển khá; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tổng đàn bò sữa, đàn lợn và các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như: Thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, sữa bò tươi đều tăng so với năm 2022, đưa giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh năm 2023 đạt 6.342 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch năm và tăng 4,3% so với năm 2022, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.
Đến cuối tháng 1/2024, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 475 nghìn con, đàn trâu bò đạt hơn 100 nghìn con, đàn gia cầm đạt hơn 12 triệu con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 7.880 tấn, thịt trâu bò hơi xuất chuồng đạt 572 tấn và thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 4.260 tấn.
Để việc tái đàn sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sau Tết Nguyên đán đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố phối hợp với phòng chuyên môn của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, phân công cán bộ phụ trách địa bàn và chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn sản xuất.
Theo đó, trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin, dự báo diễn biến thị trường và lượng cung - cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để tránh xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu; đặc biệt đối với các cơ sở đã xảy ra dịch bệnh cần lưu ý không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn cần nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau khi ổn định mới tăng tiếp quy mô đàn vật nuôi.
Tiến hành dọn dẹp, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tiêu độc và khử trùng toàn bộ chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hoá chất sát trùng khác.
Con giống lựa chọn cần có nguồn gốc rõ ràng, đúng phẩm cấp và đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học nâng cao sức đề kháng đối với từng loại vật nuôi...
Hiện đang giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nắng, mưa diễn biến thất thường, độ ẩm không khí cao dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Chủ động phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chuẩn bị tốt cho đợt tiêm phòng GSGC đợt I/2024.
Không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra ngoài môi trường... Qua đó đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm, góp phần hoàn thành các mục tiêu của ngành Nông nghiệp đã đề ra trong năm 2024.
Lưu Nhung