Trước yêu cầu đặt ra đối với hệ thống giáo dục ngày càng cao, đặc biệt là tạo môi trường học tập thú vị, có động lực và khơi dậy đam mê cho học sinh, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục các môn văn hóa, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn và hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục trải nghiệm vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân tham gia hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng tại chương trình "Hội chợ Xuân". Ảnh: Minh Hường
Giáo dục trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc trong đổi mới giáo dục, trọng tâm là chương trình GDPT 2018. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục trải nghiệm tập trung vào hoạt động khám phá, rèn luyện bản thân và phát triển mối quan hệ với bạn bè, thầy, cô giáo, người thân trong gia đình; cấp THCS, nội dung tập trung vào các hoạt động xã hội, hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp, nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh; cấp THPT, nội dung chú trọng hơn vào hoạt động hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng.
Bám sát chương trình, các trường học trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm với nhiều hình thức như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, sân khấu, tham quan, dã ngoại tại các địa danh, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, hội thi, cuộc thi, tổ chức sự kiện, hoạt động giao lưu…
Qua đó thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng thời, tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống, từng bước hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng...
Tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Vĩnh Tường, các hoạt động giáo dục trải nghiệm được tổ chức theo kế hoạch giáo dục từ đầu năm học, học sinh tự nguyện đăng ký và có sự thống nhất với phụ huynh học sinh; kết thúc mỗi hoạt động, học sinh viết bài thu hoạch để Ban tổ chức chấm điểm và trao thưởng.
Cô giáo Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện đổi mới GDĐT, nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh. Giáp Tết Nguyên đán 2024, 100% học sinh nhà trường hào hứng tham gia chương trình “Hội chợ Xuân” với nhiều hoạt động hấp dẫn như gói, nấu bánh chưng, tái tạo không gian Tết xưa, quyên góp ủng hộ và trao quà Tết tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Trước đó, hơn 600 học sinh của nhà trường đăng ký tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Quảng Ninh Gate (Quảng Ninh) để phục vụ chủ đề nội dung giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp.
Dự kiến trong học kỳ II, nhà trường tăng cường tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lớp 12 có kiến thức để định hướng, lựa chọn nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình THPT; học sinh lớp 10, lớp 11 đi tham quan, trải nghiệm tại Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc), làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường), tháp Bình Sơn và Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (Sông Lô)…”.
Học sinh Trường THCS Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên hào hứng với hoạt động trải nghiệm tại Văn Miếu tỉnh. Ảnh: Trà Hương
Em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, lớp 11A6 chia sẻ: “Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm giúp em được khám phá, hiểu biết thêm về quê hương, đất nước, con người; đồng thời, có điều kiện hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng của bản thân như sự chủ động, sáng tạo, tính tự giác, tích cực, khả năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết, định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Năm học 2022-2023, sau khi trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu tỉnh, Khu lưu niệm Bác Hồ, em đã viết bài cảm nhận và liên hệ trách nhiệm bản thân với sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Bài cảm nhận của em đã đoạt giải Nhất và được biểu dương trước toàn trường. Đó là nguồn động lực để em càng cố gắng trong học tập”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giáo dục trải nghiệm tại các trường học còn gặp một số khó khăn. Nhiều cán bộ, giáo viên cho biết, để thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm cần nhiều thời gian trong khi học sinh có số tiết học với quỹ thời gian học tập đã kín theo phân phối chương trình. Hoạt động giáo dục trải nghiệm tại các địa điểm xa cần nhiều khâu tổ chức phức tạp để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm của các nhà trường không có hoặc có nhưng khá eo hẹp, trong khi nhiều phụ huynh, học sinh chưa chú trọng đúng mức hoạt động này nên huy động nguồn xã hội hóa còn khó khăn. Nếu không có sự chuẩn bị về tâm lý và phương pháp, học sinh dễ bị thụ động và coi buổi học trải nghiệm thành chuyến tham quan, du lịch đơn thuần.
Sau các chuyến đi trải nghiệm, còn có học sinh chưa tự giác làm bài thu hoạch hoặc chưa làm bài thu hoạch đạt yêu cầu… Về phía phụ huynh học sinh, một số ý kiến cho rằng, việc tham gia hoạt động trải nghiệm gây tốn kém kinh tế; thời gian tổ chức hoạt động trải nghiệm còn vào một số thời điểm chưa phù hợp; hoạt động trải nghiệm còn mang tính phong trào, hình thức…
Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hoàng Minh Tuấn cho biết: “Để đảm bảo mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động giáo dục trải nghiệm, các nhà trường phải xây dựng chương trình, kế hoạch, phương pháp tổ chức khoa học, phù hợp, đa dạng và linh hoạt với từng đối tượng học sinh, phải có sự thống nhất của cha mẹ học sinh và sự đồng ý của cấp quản lý; phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện hoặc trung tâm kỹ năng sống uy tín, chất lượng.
Đội ngũ giáo viên cần được trang bị thêm về phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Học sinh cần chủ động, tích cực, hợp tác và say mê học tập qua hoạt động giáo dục trải nghiệm… Khi đó, hoạt động giáo dục trải nghiệm mới phát huy được vai trò, góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh giáo dục là đào tạo những thế hệ học sinh có đủ đức - trí - thể - mỹ”.
Minh Hường