Hụt hẫng sau 5 điểm Nói, chị Trang, giáo viên tiếng Anh ở huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội dồn sức để thi lại, nâng lên 8.5 sau 8 ngày, đồng thời đạt 7.0 IELTS.
Chị Phạm Thị Trang, 46 tuổi, giáo viên trường THCS Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội thi lại kỹ năng Nói IELTS cách đây một tháng. Trong đó, nghe 6, viết 6.5, đọc 7 và nói 8.5. So với lần thi trước đó, chị tăng một điểm overall.
"Tôi sững sờ, mừng quá ôm lấy hai đồng nghiệp ngồi cạnh. Mở điểm cho học sinh xem, các em cũng òa lên vui sướng", chị Trang kể.
Chị Trang cho biết thi theo chương trình nâng chuẩn IELTS cho giáo viên tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lúc đầu, chị nản vì thấy khó hiểu khi đọc những đoạn văn dài hay nhiều lúc nghe không ra. Dần dần được thầy cô hướng dẫn, chị làm đúng nhiều câu trong bài đọc hơn và biết cách nắm bắt ý chính trong bài nghe.
Hàng tuần, vào các ngày thứ 2, 4, 6, chị vượt quãng đường 40 km từ nhà ở Vĩnh Phúc xuống trung tâm Hà Nội học cả ngày đến 16h30.
"Học hay lắm nên tôi không bỏ buổi nào, dù mưa hay nắng", chị nói.
Chị Trang cho hay chủ yếu luyện nghe, đọc, nói ở một số trang online hoặc làm đề do trung tâm phát. Ngoài ra, chị còn nghe tin tức trên BBC, BBC 6 minutes..., đọc National Geographic.
Cô Phạm Thị Trang, trường THCS Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Dù vậy, trong lần thi hôm 10/12, điểm kỹ năng Nói của chị chỉ được 5. Đề bài hỏi về môn thể thao mà thí sinh đã xem và muốn thử. Chị Trang nói về bóng bàn và phong trào tập luyện sôi nổi ở trường. Chị hứng thú với môn này vì rèn luyện được sức khỏe, sự nhanh nhẹn và phán đoán chính xác.
Ở phần câu hỏi mở rộng, giám khảo hỏi môn thể thao nào ở Việt Nam mà người già và trẻ em đều thích. Chị Trang nhắc đến bóng đá, vốn được coi là "môn thể thao vua". Theo chị, khán giả đến sân xem các trận đấu được hòa mình vào không khí cổ vũ, giúp thư giãn, quên đi những lo toan hàng ngày. Mặc dù bị giám khảo ngắt lời và "xoay", chị vẫn cố gắng hoàn thành.
Chị Trang từng thi IELTS năm 2020 và 2022 nhưng chưa lần nào điểm nói dưới 5.5. Trong những đợt thi thử ở trung tâm, chị cũng đạt mức 6.5 trở lên. Vì thế, lúc nhận điểm 5, chị hụt hẫng.
"Tôi không phục nên quyết định thi lại khoảng một tuần sau đó", chị Trang nói.
Chị nghỉ hết các lớp dạy thêm, lên kế hoạch tự học và "không bỏ sót giây phút nào" để luyện nói tiếng Anh. Cô giáo U50 kể ăn tối xong, chị xuống bếp học đến 2-3 h, tập nói với ChatGPT và một số phần mềm mò được trên mạng. Ở đó có các bài kiểm tra nói tương tự IELTS hoặc câu hỏi giúp rèn khả năng nói dài nhưng chỉ miễn phí một lần trong ngày. Chị Trang sử dụng 4 tài khoản email đăng ký nên mỗi ngày thực hành được 4 lần.
Ngoài ra, mỗi khi tỉnh giấc, chị nghĩ ngay một chủ đề hay câu hỏi bất kỳ để nói. Chị còn luyện nghe để tăng phản xạ, chẳng hạn như trên đường từ nhà đến trường khoảng 8 km, chị Trang nghe, đồng thời nghĩ câu hỏi và nhẩm câu trả lời.
Ở trường, học sinh thường xuyên bắt gặp cô Trang vừa đi vừa lẩm bẩm học tiếng Anh. Chiều dạy xong, chị vào phòng y tế của trường để học đến 20h30 mới về. Chị Trang cho hay trong thời gian này, chồng giúp lo việc nhà và chăm sóc con nên có thể chuyên tâm học.
Với chị Trang, lần thi lại Nói là "trải nghiệm ngọt ngào". Đề bài yêu cầu kể về một người bạn đã mất liên lạc từ lâu bây giờ mới gặp lại. Chị Trang nói về cô bạn học thời thơ ấu cùng làng đã đi làm ăn xa. Sau nhiều năm, chị vô tình gặp lại bạn trên Facebook. Hai người kết nối và ôn lại kỷ niệm xưa khi bạn của chị từ nước ngoài về Việt Nam thăm họ hàng.
Chị hài lòng khi bài nói có bố cục chặt chẽ, dùng được nhiều từ khó và không bị lặp. Chị cũng sử dụng được thành ngữ đang dạy học sinh ở lớp là "put yourself in someone's shoes" (đặt mình vào tình huống của ai đấy) và một tính từ chỉ sự vui sướng, hạnh phúc, "exhilarated".
"Tôi dùng 'exhilarated' thay vì 'happy' để ước gì giám khảo ở hoàn cảnh của tôi và hiểu được tôi đã vui sướng đến độ nào", chị nhớ lại.
Ở câu hỏi cuối cùng, thầy giáo muốn biết ý kiến của chị về khả năng giao tiếp trực tiếp của robot trong tương lai. Chị trả lời "có", vì cho rằng với sự phát triển của khoa học công nghệ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Ở một số lĩnh vực, nhiều robot đã thay thế con người.
Chị lo robot còn có thể có cảm xúc như bật khóc hay cười thành tiếng, thậm chí yêu nhau. Chị Trang thay các từ phổ biến như "cry" (khóc) hay "love" (yêu) thành cụm "burst into tears" và "fall in love".
"Tôi rất sợ điều này sẽ xảy ra và không thể tưởng tượng được thế giới của chúng ta sẽ thế nào khi robot thống trị", chị Trang nói. "Khi nói xong, thầy chạm nhẹ hai bàn tay vào nhau như vỗ tay".
Chị cho hay động lực học lớn nhất là hai con gái và học sinh ở trường. Con lớn của chị hiện là sinh viên năm cuối khoa tiếng Đức, trường Đại học Hà Nội. Một lần, em kể với mẹ về bạn lớp trưởng học giỏi và giành học bổng sang Đức 6 tháng với giọng đầy ngưỡng mộ. Chị đã động viên con cố gắng để có cơ hội ra thế giới.
Con gái âm thầm phấn đấu và đến năm thứ ba được chọn sang Đức hai tháng. Chị Trang cũng thể hiện mình không nói suông.
"Tôi muốn mình là tấm gương cho các con. Có như thế chúng mới phục", chị chia sẻ.
Ngoài ra, muốn lời nói có sức nặng với học sinh và khích lệ tinh thần các em, chị thấy bản thân mình cần phải học và có kết quả tốt trước.
Thầy Nguyễn Văn Canh, Hiệu trưởng, cho biết chị Trang tốt nghiệp Sư phạm Ngoại ngữ của trường Cao đẳng Vĩnh Phúc năm 2000, sau đó học đại học hệ chuyên tu ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Cô Trang là giáo viên mẫu mực, hoạt động chuyên môn say sưa. Mọi người đều ngưỡng mộ cô ấy", thầy Canh nói.
Những ngày qua, chị Trang đến trường với tâm trạng phấn chấn và dạy học "thăng hoa hơn". Nhìn thấy cô Trang, học sinh xúm lại hỏi han kinh nghiệm.
"Tôi cảm giác học trò thấy cô đã làm được rồi, không phải nói lời sáo rỗng nên thêm động lực học", chị Trang chia sẻ.
Minh Nguyệt (Theo vnexpress.vn)