Với quyết tâm tạo đột phá trong sản xuất, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, thông minh. Qua đó, từng bước xây dựng cánh đồng công nghệ “không dấu chân”.
Các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) tham gia mô hình cánh đồng công nghệ, sử dụng thiết bị máy bay không người lái bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Những ngày đầu Xuân, trên cánh đồng “không dấu chân” của thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) nhiều thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) không phải lội xuống ruộng cấy lúa, phun thuốc trừ cỏ mà chỉ ở trên bờ theo dõi tiến độ gieo cấy bằng máy.
Bà Nguyễn Thị Mùi phấn khởi cho biết: Chưa bao giờ gieo cấy lúa lại nhàn như vụ Đông Xuân này, từ khâu gieo mạ, làm đất, gieo cấy đều được cơ giới hóa thay cho sức người và sử dụng thiết bị máy bay không người lái bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Qua đó giảm 30% thất thoát lượng phân bón, thuốc BVTV, giảm 40% chi phí nhân công, nhất là giảm thiểu tồn dư thuốc BVTV trong đất và nguồn nước. Điều này góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết: Nhờ việc tích tụ ruộng đất đã hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng. Từ đó, tháo gỡ được khó khăn về thiếu lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nông dân xã Phú Xuân đưa cơ giới hóa vào gieo cấy, giảm tối đa sức lao động.
Đến nay, 100% diện tích gieo cấy lúa của HTX được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch bằng máy; 60% diện tích gieo cấy sử dụng máy cấy. Ngoài ra, các thành viên HTX còn tham gia mô hình ứng dụng thiết bị thông minh máy bay không người trong bón phân, phun thuốc BVTV; sử dụng máy làm đất không người lái.
Hiện nay, công nghệ đang dần thay thế lối sản xuất truyền thống, sức lao động của con người trên đồng ruộng dần được giải phóng. Thậm chí, những chiếc máy cày, máy bay không có người lái, chỉ cần cài đặt một thiết bị định vị, là sẽ tự động chạy băng băng trên cánh đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Khi lao động nông thôn đang có sự dịch chuyển sang sản xuất công nghiệp, phi nông nghiệp thì cơ giới hóa, tự động hóa, sử dụng thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng nhằm thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Năm 2024, trung tâm tập trung phát triển khuyến nông điện tử, thương mại điện tử gắn với các mô hình nông nghiệp thông minh. Điển hình, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành trình diễn mô hình cánh đồng công nghệ tại xã Phú Xuân (Bình Xuyên).
Theo đó, trên diện tích 1,5 ha, đơn vị đã đưa các thiết bị thông minh vào sản xuất lúa như máy làm đất không người lái, sử dụng thiết bị máy bay không người lái bón phân, phun thuốc BVTV… Qua đó, hình thành các cánh đồng công nghệ, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Để cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới nền nông nghiệp bền vững, thông minh và hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2024, ngành Nông nghiệp đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện cơ giới hóa, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; triển khai các mô hình khuyến nông theo chuỗi từ sản xuất đến bảo quản, sơ chế và tiêu thụ nông sản.
Khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, chú trọng tới các sản phẩm nông sản có thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khoa học và đào tạo. Phát triển các thị trường có giá trị cao và bền vững cho nông sản xuất khẩu.
Năm 2024, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp. Trong đó, Sở Nông nghiệp xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ số, gồm 1 mô hình trồng trọt, 1 mô hình chăn nuôi áp dụng đồng bộ công nghệ số và 1 mô hình Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh quy mô 1 ha.
Phấn đấu hơn 18% Hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 20%; duy trì tỷ lệ nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng đạt 12,5%.
Bài, ảnh: Mai Liên