Trong không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân năm mới, ngay từ sáng sớm ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), rất nhiều học sinh, nhân dân và quan khách đã tập trung về Công viên quảng trường huyện Vĩnh Tường tham gia chương trình “Khai bút đầu Xuân - Nét duyên vùng đất Phủ”. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa nhằm giáo dục, tôn vinh các giá trị văn hóa và truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất Phủ.
Thầy đồ tặng chữ trong chương trình "Khai bút đầu Xuân - Nét duyên vùng đất Phủ". Ảnh: Kim Ly
Khai bút đầu Xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc ta và lòng thành kính “tôn sư trọng đạo”; đồng thời cầu mong cho một năm mới may mắn, thành công…
Theo một số tài liệu lịch sử, tục khai bút và xin chữ đầu Xuân đã có từ khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An, một nhà giáo mẫu mực, kiệt xuất của Việt Nam.
Thời đó, khi học trò đến thăm thầy, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một vài chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống, ai nhận được đều quý trọng, lấy chữ đó để phấn đấu, vươn lên.
Từ đó, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo", nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Đất Vĩnh Tường từ xưa không chỉ được xem là nơi “Cảnh trí hữu tình”, “Nhất Tam Đái, Nhì Khoái Châu” mà còn là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Ở đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, được thể hiện sinh động trong cả lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm nét văn hóa xứ Đoài, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.
Cùng với đó là truyền thống hiếu học và khoa bảng như “mạch ngầm văn hóa” mải miết chảy cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức các thế hệ người dân Vĩnh Tường khi toàn huyện đã có tổng số 22 người đỗ Tiến sĩ; 250 người đỗ Hương cống, Cử nhân ở các triều đại phong kiến.
Để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa xưa, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, đề cao sự học, tôn vinh truyền thống hiếu học và khoa bảng, “trọng chữ”, “kính chữ” của người dân vùng đất Phủ, huyện Vĩnh Tường đã tổ chức chương trình “Khai bút đầu Xuân - Nét duyên vùng đất Phủ”.
Xuân Giáp Thìn 2024 là năm thứ 2 chương trình nhiều ý nghĩa nhân văn này được tổ chức. Chương trình năm nay là sự kết hợp hài hòa giữa tục khai bút đến từ các nhà thư pháp: Nguyễn Anh Thập, Chủ nhiệm CLB Hán nôm tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Duy Sếu, CLB Hán nôm tỉnh Vĩnh Phúc và Nhuận Thiều, CLB Hán nôm Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu và người dân tham quan triển lãm tranh "Miền Xuân Vĩnh Tường". Ảnh: Kim Ly
Tại chương trình còn diễn ra buổi trưng bày triển lãm 200 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Miền Xuân Vĩnh Tường” của họa sĩ Quỳnh Thơm và Ngày hội đọc sách Xuân Giáp Thìn với hàng trăm đầu sách về các chủ đề lịch sử, truyền thống, văn hóa, giáo dục, pháp luật, sách cho thiếu nhi…
Cô Đỗ Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Vĩnh Tường chia sẻ: "Chương trình đã mang lại rất nhiều cảm xúc cho những người tham dự như chúng tôi. Được sống lại với không gian văn hóa xưa, ôn lại truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương khiến ai ai cũng tự hào, nhắc nhở mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để bảo tồn, duy trì, phát huy các giá trị cao đẹp mà các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng".
Chương trình càng ý nghĩa hơn khi kết hợp với Ngày hội đọc sách bởi trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc dường như đang bị mai một, việc tổ chức những chương trình như thế này sẽ góp phần khuyến khích mọi người, nhất là lớp trẻ đến với sách, đến với văn hóa đọc nhiều hơn…
Em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 9D, Trường THCS Vĩnh Tường xúc động chia sẻ: “Chương trình đã cho chúng em cảm nhận giá trị của văn hóa Việt, cảm nhận được những lời hay, ý đẹp trong từng nét chữ mà ông cha ta đã tạo dựng, hun đúc, gìn giữ, bảo tồn, trao truyền cho tới ngày nay.
Nhiều người hào hứng với Ngày hội đọc sách Xuân Giáp Thìn: Ảnh: Kim Ly
Đây thật sự là những bài học rất thiết thực, ý nghĩa, sinh động đối với các lớp học sinh chúng em. Chúng em biết trân quý hơn tiếng Việt; biết “kính chữ”, “trọng chữ”, bởi các thầy, cô vẫn dạy chúng em “ Nét chữ nết người”.
Chúng em mong muốn hằng năm, trên vùng đất Phủ thân yêu, chương trình “Khai bút đầu Xuân - Nét duyên vùng đất Phủ” sẽ được tiếp tục duy trì, phát triển trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của huyện Vĩnh Tường, trở thành niềm tự hào không chỉ của học sinh chúng em mà còn là niềm tự hào của tất cả người dân về quê hương Vĩnh Tường - một miền quê văn hiến, hiếu học, khoa bảng…”.
Tin rằng, với nhiều ý nghĩa giáo dục, giá trị nhân văn sâu sắc, những năm tới, chương trình sẽ tiếp tục được huyện Vĩnh Tường triển khai mở rộng cả về quy mô và chất lượng để không chỉ là ngày hội của người dân đất Phủ mà còn nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Vĩnh Phúc - miền địa linh nhân kiệt.
Nguyễn Khánh