Hơn 30 năm theo đuổi đam mê và gìn giữ nét đẹp áo dài truyền thống, chị Bùi Thị Như Ý, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người dân thị thành. Với những nỗ lực sưu tầm, thiết kế theo lối cổ truyền, chị Ý đã góp phần bảo tồn, giữ hồn tà áo dài Việt.
Chị Ý luôn say mê, giữ gìn nét đẹp của tà áo dài truyền thống trong từng đường kim, mũi chỉ
Hiếm có khi nào chị Ý rảnh rỗi để có thể trò chuyện lâu dài với mọi người, thời gian với chị luôn bận rộn cả ngày, chủ yếu là tư vấn cho khách, thiết kế những mẫu phù hợp; tìm tòi, sáng tạo để những tà áo dài vừa giữ được nét đẹp truyền thống, lại vừa phù hợp với xu thế hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng.
Vừa chỉnh các số đo trên chiếc áo đã hoàn thành của khách, chị Ý tranh thủ nói chuyện với tôi, rồi may mắn nhất là khi khách ưng ý ra về, khoảng trống này khiến tôi có thể được tìm hiểu sâu hơn những vất vả, nhọc nhằn cũng như đam mê giữ nghề của chị.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, từ nhỏ chị đã đam mê may vá, thêu thùa, mơ ước tự tay mình có thể may được chiếc áo dài. Chiếc áo dài Huế xưa đến chiếc áo dài Huế nay là một hành trình dài trong việc sáng tạo của người dân xứ Huế. Vì vậy, trong câu chuyện về áo dài, chị Ý rất tự hào với một vùng đất - nơi mình sinh ra đậm đặc văn hóa về nguồn gốc của chiếc áo dài.
Chị Ý tâm sự: “Ngày trước, gia đình tôi không thuộc diện khá giả, từ nhỏ, tôi đã được va chạm với cảnh tấp nập của các con phố bày bán áo dài, tiếng máy may, tiếng bước chân… ngày đêm khách ra vào chiêm ngưỡng, may mặc áo dài. Điều đó khiến tôi thêm đam mê với chính nghề truyền thống của quê mình. Khi được bố mẹ cho theo học may, dù vất vả, hằng ngày tôi đi bộ 3-4 km để học may áo dài. Tuy vất vả, nhưng nghĩ mình có thể tự tay hoàn thành một chiếc áo dài là tôi lại có thêm động lực”.
Năm 1992, chị Ý lập gia đình và theo chồng ra đất Vĩnh Phúc, cũng từ đây với nhiều khó khăn phải trải qua để rồi chị đã tạo lập một thương hiệu áo dài cũng như đem đến cho vùng đất mới một nét văn hóa truyền thống duyên dáng, tự hào.
Chị Ý chia sẻ thêm: “Khi ấy, chồng tôi làm nghề xây dựng, tôi theo chồng ở trong căn nhà dựng tạm ở khu Trường cao đẳng Giao thông vận tải (cũ), thành phố Vĩnh Yên. Gia sản duy nhất của tôi là chiếc máy may. Một lần tình cờ, được chồng dẫn đến nhà một thầy giáo là Hiệu trưởng một trường học trong thành phố, tôi được chồng giới thiệu là biết may áo dài truyền thống. Lúc ấy, thầy Hiệu trưởng muốn may áo dài tặng vợ, nên đã bảo vợ đưa vải cho tôi may thử sức.
Với dáng người to béo, thô của người vợ, để chiếc áo dài khi mặc vừa vặn, đẹp mắt là một thử thách với tôi. Sau một đêm suy nghĩ, tỉ mỉ với những đường cắt, đường may… cuối cùng tôi cũng khiến bà hài lòng. Chiếc áo được mặc trong dịp khai trường, ai cũng khen lạ, tinh tế và hỏi tìm đến địa chỉ của tôi để may. Đó cũng là một kỷ niệm và là thành công đầu đời để sau này tôi tiếp tục sáng tạo và giữ nghề”.
Cô gái 22 tuổi ngày ấy đã được nhiều cô giáo, công chức, người buôn bán khắp các địa phương trong tỉnh biết đến. Ngôi nhà dựng tạm, lụp xụp vẫn khiến người say cái đẹp tìm đến. Dù nhiều lần chuyển chỗ ở theo chồng, nhưng đi đâu họ vẫn tìm đến đặt may áo dài. Câu nói “có một cô người Huế ra may áo dài rất đẹp” đã được nhiều người truyền tai nhau và từ đó thương hiệu áo dài Như Ý đã được nhiều người lựa chọn.
Chị Ý cho biết: “Cách may áo dài ở Huế có điểm khác so với nhiều nơi, người thợ may thường chú tâm đến đường viền tà và rất tỉ mỉ cẩn thận, đường viền quanh tà áo được khâu mép viền và được rút từ mảnh vải của chiếc áo đó nên màu sắc đồng điệu, khi mặc lên người, tà áo rất bay và đặc biệt là không lộ chỉ, không lộ đường may. Vì vậy mà áo dài Huế có nét đẹp riêng thu hút cả người Việt và thế giới, ai một lần đến cố đô Huế thường đặt may cho mình một chiếc áo dài như một món quà đặc biệt. Với vùng đất Vĩnh Phúc, con người nơi đây cũng rất yêu cái đẹp, họ không tiếc chi phí may cho mình những bộ áo dài đủ màu sắc để diện vào những dịp lễ, Tết…”.
Không chỉ có kỹ năng thuần thục, chuyên nghiệp mà chị Ý thường nắm bắt, cập nhật xu hướng thời trang hiện đại mà không đánh mất vẻ đẹp truyền thống, vì vậy mà mỗi chiếc áo dài chị thiết kế đều có chất liệu, kiểu dáng cũng như những họa tiết thêu phù hợp từ truyền thống đến hiện đại, được tạo điểm nhấn và tôn lên nét đẹp của người mặc nó.
Đặc biệt, những bộ áo dài do chị Ý thiết kế thường có hình họa tiết cảnh vật quê hương, đất nước…, những hình vẽ bằng chất liệu sơn mài hay thêu tay, đính hạt… tất cả đều lấy ý tưởng từ những chất liệu cuộc sống đời thường, thiên nhiên bình dị toát lên tình yêu với kho tàng văn hóa và muốn lưu giữ lại của chính người thợ đã dệt lên nét đẹp áo dài dân tộc trường tồn mãi với thời gian.
Chị Nguyễn Thị Hà, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Tôi đã may áo dài Như Ý hơn 10 năm nay, mỗi bộ áo dài là một phong cách khác nhau. Tôi may cho bà, cho mẹ, cho bản thân và nhiều người thân trong gia đình. Nét duyên dáng, tinh tế, thanh lịch của từng chiếc áo dài khi may ở đây mà không nơi nào có được khiến tôi và nhiều người rất hài lòng".
Truyền thống và hiện đại được kết hợp nhuần nhuyễn là sự thành công của áo dài Như Ý. Và đó cũng là cách để chị Bùi Thị Như Ý luôn ý thức bảo tồn, giữ gìn nét đẹp của tà áo dài Việt.
Bài, ảnh: Thu Thủy