Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh của cả nước. Kinh tế phát triển tạo nền tảng để thúc đẩy văn hóa, xã hội phát triển. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa tại các khu dân cư khang trang, hiện đại với đầy đủ công năng, phục vụ các hoạt động văn hó-văn nghệ (VHVN), thể dục-thể thao (TDTT) của người dân.
Khu thiết chế văn hóa-thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Dương Chung
Với diện tích 15.000 m2, đầy đủ các hạng mục gồm nhà văn hóa, tủ sách dùng chung, sân chơi thể thao, công viên cây xanh, dụng cụ thể thao ngoài trời… tạo nên một quần thể hài hòa, hữu ích, do đó, ngay sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, Khu thiết chế văn hóa-thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc đã trở thành địa điểm hoạt động VHVN, TDTT hấp dẫn của người dân địa phương.
Ông Đào Xuân Bàn, thôn Thụ Ích 2 vui mừng cho biết: “Là cán bộ nghỉ hưu trở về quê hương sinh sống hơn chục năm nay, tôi rất phấn khởi và tự hào khi thấy sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành đã tạo đà cho Liên Châu phát triển toàn diện và mọi người dân chúng tôi được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển.
Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu thiết chế văn hóa-thể thao LVHKM đã giúp người dân làng Thụ Ích có một không gian sinh hoạt văn hóa hiện đại, đầy đủ các công năng. Ngày nào tôi và các cao niên trong làng cũng ra nhà văn hóa thôn tập luyện TDTT, đọc sách để tuổi già thêm vui - khỏe hơn”.
Xã Liên Châu là một trong những địa phương về đích xây dựng NTM, NTM nâng cao sớm nhất tỉnh và đang xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, LVHKM, do đó, Liên Châu được các cấp, ngành đầu tư toàn diện, trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển của huyện, của tỉnh. Những con đường đất, sỏi được thay thế bằng những tuyến đường hoa xanh - sạch - đẹp, có hệ thống rãnh nước thải, đèn chiếu sáng hiện đại.
Sôi nổi phong trào thể dục-thể thao của người dân thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo. Ảnh: Dương Chung
Các trường học được đầu tư đồng bộ, hiện đại đều đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Các di tích lịch sử văn hóa được tu sửa. Các thiết chế văn hóa được xây dựng, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị trở thành điểm sinh hoạt VHVN, TDTT lành mạnh, bổ ích. Hiện tại, 100% thôn dân cư có các CLB VHVN, TDTT thu hút gần 70% người dân tham gia; các cuộc thi VHVN, TDTT được tổ chức từ cấp thôn đến xã; hằng năm, hơn 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Qua thực hiện các chương trình xây dựng NTM, xây dựng LVHKM cùng các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo được đầu tư xây dựng toàn diện về cơ sở hạ tầng nông thôn. 11/12 thôn của xã đã có hệ thống thiết chế văn hóa khang trang với sân thể thao đủ diện tích, nhà văn hóa xây dựng mới với đầy đủ trang thiết bị như bàn ghế, loa đài, phông bạt, tủ sách, mạng wifi, dụng cụ thể thao ngoài trời…; nhà văn hóa thôn Yên Hòa đang chuẩn bị xây mới.
Với công năng sử dụng phù hợp mọi lứa tuổi, các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Vào các buổi sáng sớm, chiều, tối, sân thể thao, các nhà văn hóa thôn trở nên nhộn nhịp bởi tiếng cười nói, ca hát, tập luyện thể dục của người dân.
Đến nay, 100% thôn dân cư xã Bồ Lý đều có CLB VHVN, TDTT hoạt động nền nếp. Nhà văn hóa thôn còn là nơi tổ chức các cuộc họp chi bộ, họp dân, các sự kiện, hoạt động của làng, xã và những buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ phục vụ người dân. Nhờ đó, tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt 96%.
Người dân được thụ hưởng không gian đọc sách mở tại Khu thiết chế văn hóa-thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Dương Chung
Là người thường xuyên tham gia các hoạt động tại các thiết chế văn hóa của thôn, chị Lương Thị Ba, người dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm CLB Soọng cô xã Bồ Lý chia sẻ: “Hiện tại, nhà văn hóa thôn Đồng Cà là địa điểm để CLB Sọong cô luyện hát và truyền dạy làn điệu dân ca của dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ ở địa phương. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để CLB TDTT của thôn luyện tập, tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT lành mạnh và gắn kết tình làng, nghĩa xóm”.
Cùng với Liên Châu, Bồ Lý, các địa phương trong toàn tỉnh đều nhận được sự quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện từ các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh; trong đó, chương trình xây dựng NTM và xây dựng LVHKM đã giúp các địa phương, nhất là các khu vực nông thôn, miền núi không ngừng đổi mới và phát triển.
Đến nay, cơ bản các thôn dân cư trên toàn tỉnh đều có khu thiết chế văn hóa đảm bảo, được đầu tư trang thiết bị, bộ dụng cụ TDTT ngoài trời, có hệ thống loa truyền thanh, mạng intenet phủ sóng đến tận thôn, bản; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy.
Những điều kiện thuận lợi đó thúc đẩy người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh; thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước ở các thôn, tổ dân phố; tích cực tham gia các hoạt động VHVH, TDTT… Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao; mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư được tăng cường; nhân dân phấn khởi khi được thụ hưởng các thành quả từ sự phát triển..
Minh Hường