Thời tiết lạnh là mối nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ. Vậy nguyên nhân dẫn đến đột quỵ mùa lạnh là gì và phải làm gì khi bị đột quỵ mùa lạnh?
Vì sao mùa lạnh dễ bị đột quỵ?
Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, mùa đông mọi người thường hạn chế uống nước nên khiến độ nhớt của máu tăng. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.
Dấu hiệu đột quỵ do trời lạnh
Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cũng tương tự như các dấu hiệu đột quỵ thông thường. Bạn có thể dựa theo nguyên tắc F.A.S.T đột quỵ để có thể nhận biết dấu hiệu đột quỵ, bao gồm:
F (Face – Khuôn mặt): Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ một bên gương mặt, mí mắt sụp xuống. Có thể yêu cầu người bệnh cười để quan sát 2 bên mặt mất cân đối, méo lệch qua 1 bên.
A (Arms – Cánh tay): Dấu hiệu đột quỵ phổ biến chính là yếu, tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể. Người bị đột quỵ không thể cùng lúc nâng hai tay lên cao khỏi đầu, nâng thẳng tay. Một số trường hợp người bệnh có thể nâng hai tay nhưng sau đó một tay rơi xuống ngay lập tức.
S (Speech – Lời nói): Người bệnh nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh,… là những dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh bạn nên chú ý.
T (Time – Thời gian): Khi thấy một người có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với mô tả về dấu hiệu F.A.S.T đột quỵ, cần hành động ngay lập tức để giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời, hạn chế biến chứng do đột quỵ.
Ngoài các triệu chứng trên, còn có một số dấu hiệu đột quỵ khác như đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm thị lực, khó khăn trong việc nuốt,…
Làm gì khi bị đột quỵ mùa lạnh?
Khi thấy người bị đột quỵ, việc đưa người bệnh đến bệnh viện sớm, giúp người bệnh được điều trị kịp thời sẽ hạn chế được những di chứng về sau. Do đó, ngay khi thấy một ai đó có một trong các dấu hiệu sau như tê bì một tay, một chân; nói khó, méo miệng; mờ một mắt đột ngột; đau đầu dữ dội thì nên gọi cấp cứu hay đến ngay bệnh viện gần nhất có chuyên khoa chẩn đoán, điều trị đột quỵ.
Trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc,… Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.
Với người bị đột quỵ mùa lạnh, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật. Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.
Bác sĩ chuyên khoa I. Trần Văn Thắng
(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)