Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu chuyển đổi số của ngành Y tế, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB).
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sông Lô hướng dẫn người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô tiếp nhận 200 - 400 lượt bệnh nhân đăng ký KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm giảm thời gian chờ đợi, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, trung tâm đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VneID khi đăng ký KCB để tạo thuận lợi cho công dân.
Để hoạt động chuyển đổi số được thuận lợi, nâng cao chất lượng KCB, trung tâm phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra công tác “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin” tại các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát đối tượng tiêm chủng bị sai lệch thông tin cần bổ sung phục vụ quy trình “làm sạch dữ liệu tiêm chủng” một cách nhanh chóng, chính xác.
Đồng thời, đầu tư trang bị, bổ sung thêm 3 đầu máy đọc QR-code ở tuyến huyện, 18 đầu máy ở tuyến xã; bố trí nhân viên chủ động giới thiệu, hướng dẫn cho người dân khi đến đăng ký khám bệnh; đầu tư bổ sung trang thiết bị đáp ứng các điều kiện để đọc dữ liệu căn cước công dân gắn chíp như máy tính kết nối mạng internet và phần mềm dữ liệu quốc gia... Nhờ vậy, đã rút gọn thủ tục khám bệnh, tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh và giảm công đoạn kiểm tra, đối chiếu giấy tờ, thẻ BHYT.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô Nguyễn Ngọc An cho biết: “Việc triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp để KCB BHYT là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi KCB; không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ nào, thời gian thực hiện thủ tục KCB được tiết giảm tối đa. Đồng thời, hỗ trợ y, bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, nhanh chóng, quản lý, theo dõi kịp thời tình hình sức khỏe bệnh nhân mỗi khi tái khám.
Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện chuyển đổi số, hơn 15% lượt người đến KCB đã sử dụng dịch vụ đăng ký bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VneID. Người dân khi đến khám bệnh được hướng dẫn làm thủ tục nhanh hơn, tiện lợi hơn, không phải chờ đợi lâu như trước đây. Tuy nhiên, hầu hết nhóm người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh; nhiều trường hợp chưa tích hợp đầy đủ thông tin nên việc khai báo lưu trú, khám bệnh bằng app VneID, VssID còn gặp nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Đình Long, 50 tuổi ở xã Cao Phong thường xuyên đến Trung tâm Y tế huyện Sông Lô khám và lấy thuốc cao huyết áp. Ông Long cho biết: "Trước đây, mặc dù trung tâm đã bố trí nhân viên y tế hướng dẫn ở khu vực đăng ký khám, nhưng nhiều khi vẫn xảy ra tình trạng quá tải, bệnh nhân phải chờ đợi lâu.
Từ khi trung tâm ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình tiếp đón, người dân không cần phải chờ đợi làm thủ tục đăng ký khám bệnh, cũng không cần mang theo nhiều giấy tờ hay hồ sơ bệnh án, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh đã cài đặt ứng dụng VneID, VssID là có tất cả những thông tin cá nhân cần thiết”.
Để bảo đảm công tác quản lý hệ thống y tế một cách khoa học, có tính liên thông và thống nhất cao, các phòng khám chuyên môn đều được trang bị đầy đủ thiết bị máy tính, tivi màn hình rộng, hệ thống đầu đọc mã vạch, hệ thống phát số tự động.
Hằng năm, trung tâm tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện sử dụng các phần mềm hỗ trợ như HIS (phần mềm quản lý bệnh viện), LIS (hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh)…
Đồng thời, triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với phương thức thanh toán quét mã QR-Code; giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu, tiết kiệm nhân lực, đồng thời rút ngắn quy trình KCB.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính của Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã góp phần giảm áp lực về hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin báo cáo; giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân; nâng cao hiệu quả KCB, tránh chồng chéo trong cấp phát thuốc; tăng hiệu quả, hiệu lực cho công tác quản lý; đảm bảo tính khách quan, công bằng, tăng tỷ lệ hài lòng cho người bệnh khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở.
Bài, ảnh: Hương Giang