Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian qua, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là chính sách về xuất nhập cảnh, du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã lợi dụng tổ chức các tour du lịch quốc tế cho du khách Việt Nam, sau đó tạo điều kiện cho du khách trốn ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã phát hiện, điều tra, xử lý khoảng 20 vụ, với hàng chục đối tượng có hành vi môi giới, tổ chức cho gần 200 trường hợp công dân Việt Nam đi du lịch để trốn ở lại nước ngoài.
Các đối tượng môi giới thường là nhân viên làm trong các công ty, đại lý du lịch hoặc trung tâm xuất khẩu lao động. Lợi dụng chính sách visa tiên tiến của Đài Loan; giấy thông hành du lịch của Trung Quốc hoặc lợi dụng chính sách của các nước miễn visa như Thái Lan, Lào… các đối tượng môi giới, tổ chức có trách nhiệm làm tờ khai xin visa hoặc tạo lập hồ sơ cho khách du lịch đi theo chương trình tham dự sự kiện; mua lại các công ty để khách đứng tên đại diện pháp luật, làm giả sao kê, tài khoản ngân hàng, giả sổ đỏ để chứng minh nhân thân; đăng ký cho công dân đi du lịch qua các công ty lữ hành; bố trí người đón ở nước ngoài, sau đó đưa đến nơi làm việc bất hợp pháp.
Trong quá trình xuất nhập cảnh, số đối tượng tổ chức sẽ hướng dẫn cho khách nội dung trả lời nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách du lịch chủ động xin visa du lịch, sau đó thông qua người thân sinh sống, lao động ở nước ngoài để lo cho chỗ ở, việc làm bất hợp pháp.
Quá trình điều tra, xử lý các vụ việc nhận thấy, số người trốn ở lại nước ngoài đều thuộc độ tuổi lao động. Để được trốn ở lại theo hình thức này, người lao động phải trả chi phí cho đối tượng môi giới tùy thuộc vào từng quốc gia. Cụ thể để trốn ở lại Đài Loan chi phí dao động khoảng từ 60 - 65 triệu đồng; Hàn Quốc từ 220 - 300 triệu đồng; Úc từ 300 - 450 triệu đồng... Trường hợp phải thông qua nhiều người môi giới, các đối tượng sẽ thu cao hơn.
Việc công dân Việt Nam lợi dụng du lịch để trốn ở lại nước ngoài đã tác động trực tiếp đến an ninh, trật tự của nước sở tại; an ninh du lịch Việt Nam và quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước, dẫn đến việc các nước điều chỉnh chính sách đối ngoại bất lợi không chỉ riêng lĩnh vực du lịch mà còn cả trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam, gây khó khăn cho những người thực sự có ý định du lịch hoặc lao động hợp pháp.
Trên địa bàn tỉnh, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người dân có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài lao động, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đủ điều kiện để lao động ở các nước phát triển.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch để tổ chức cho khách trốn ở lại nước ngoài, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Trưởng Công an các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan trong việc kinh doanh đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến du khách về các quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; cảnh báo, nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trước khi tổ chức chương trình du lịch cho khách.
Đồng thời, chủ động công tác nắm tình hình, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, các trung tâm xuất khẩu lao động, doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh về du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng đường du lịch để môi giới, tổ chức cho người khác trốn ở lại nước ngoài lao động trái phép.
Đối với người dân cũng phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức rõ hành vi trốn ở lại nước ngoài trái phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia và mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam, tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch, đầu tư và hợp tác quốc tế.
Đồng thời, việc người dân trở thành lao động nhập cư bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí phải đối diện với nguy cơ bị đối tượng xấu lợi dụng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc buôn bán người.
Minh Ánh
(Công an tỉnh)