Ngày mùng 10/10 âm lịch hằng năm là ngày Tết Trùng Thập hay còn gọi là Tết Hạ Nguyên, Tết Cơm mới tháng Mười. Trong ngày này, ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân tổ chức sum vầy con, cháu dâng lễ tổ tiên. Các mâm cơm hành lễ có rất nhiều món ngon và đặc biệt riêng món bánh giầy không thể thiếu trong dịp này.
Vốn có nghề làm bánh giầy lâu năm, mỗi khi đến ngày mùng 10/10 âm lịch, lượng khách đặt hàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ở thôn Đoàn Thành, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch lại tăng cao gấp nhiều lần.
Trong ngày này, gia đình nào ở địa phương cũng có nhu cầu mua bánh giầy về thắp hương. Người ít mua 1-2 hộp, nhiều thì 4-5 hộp, nên gần 100 kg bánh được gia đình chị Nhung bán hết ngay trong buổi sáng.
Theo bà con địa phương, Tết Cơm mới là một trong những ngày đại tiệc trong năm. Ngày này, nhà nào cũng phải có bánh giầy thắp hương tổ tiên. Trước đây, các gia đình ở địa phương đều tổ chức làm bánh giầy, nhưng nay chủ yếu mua bánh làm sẵn ở chợ. Chỉ những gia đình đông con cháu, có thời gian rảnh rỗi mới làm bánh và cùng sum họp, ăn uống vui vẻ.
Loại bánh giầy giã tay được bà con thích nhất do có độ dẻo, mềm và thơm ngon
Có nhiều cách để làm bánh giầy. Người thì sử dụng bột ướt, người lại làm bằng bột khô. Sau khi bột được sơ chế, tra nhân (lạc hoặc đỗ với vị mặn, ngọt tùy sở thích), bánh được cho vào nồi hấp chín. Tuy nhiên, ngon nhất phải là loại bánh giầy giã tay bởi bánh rất dẻo, thơm mùi nếp mới.
Nghề làm bánh giầy kể cũng vất vả khi ngày nào cũng phải dậy từ 3h sáng để giã bánh, kịp có hàng mang ra chợ bán sớm. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: “Thông thường, từ tối hôm trước, gia đình tôi đã phải chuẩn bị nhân bánh, đồng thời xôi sẵn gạo rồi vớt ra rổ. 3h sáng hôm sau, cả nhà dậy nấu nước, xôi lại gạo chín mềm rồi cho vào bao tải (đã được làm sạch) và bắt đầu giã bánh bằng tay chừng hơn 1 giờ đồng hồ. Vào những ngày lễ, Tết hoặc đám cưới có nhiều khách hàng đặt bánh, gia đình tôi phải huy động 3-4 người làm mới kịp".
Công đoạn giã bánh giầy vất vả nhất nên hầu hết đều được cánh đàn ông làm. Mặt khác, người có thể lực tốt bánh mới ngon. Sáng sớm, những mẻ bánh giầy còn nóng hôi hổi được mẹ chồng chị Nhung mang ra chợ huyện bán, còn chị bán tại nhà.
Trong ngày Tết Cơm mới, gia đình chị Nhung làm hơn 100 hộp bánh giầy phục vụ khách hàng (mỗi hộp có 6 chiếc, nặng gần 1 kg). Bánh giầy ở xã Triệu Đề được làm to hơn so với các nơi khác, hương vị cũng phong phú khi có cả nhân lạc ăn rất bùi, béo. Mỗi hộp bánh có giá 20.000 đồng và được bán rất đắt hàng.
Cũng theo chị Nhung: “Mỗi gia đình làm nghề đều có bí quyết riêng, tuyệt đối không thể nói chi tiết các công đoạn làm bánh được. Tuy nhiên, bánh làm bằng bột nước ăn thường bị mềm, nhão và nhạt hơn bột khô. Riêng bánh giầy giã tay là ngon nhất bởi có độ dẻo và đặm vị. Trước đây, bánh giầy thường được nặn bằng tay, nhưng nay có khuôn, giúp việc làm bánh nhanh hơn, lại không bị bỏng tay. Những chiếc khuôn này cũng do gia đình tôi tự nghĩ, thiết kế ra và được coi là “bảo bối” của những người làm nghề gia truyền".
Cùng với lễ mặn, bánh kẹo, hoa quả, món bánh giầy luôn được các gia đình bày ở vị trí trang trọng nhất của mâm cơm. Cũng có gia đình do nhiều lý do không thể làm mâm cơm cúng ngày Tết Cơm mới, nhưng nhất thiết phải có đĩa bánh giầy cúng tổ tiên vào dịp này.
Ý nghĩa của ngày Tết Cơm mới khi làm món bánh giầy dâng cúng gia tiên là để mừng mùa màng bội thu. Có nơi người dân tổ chức Tết Cơm mới cùng vào ngày Rằm tháng Mười âm lịch để tưởng nhớ công lao Tiên Nông (tiên của ruộng đồng) và ăn mừng việc gặt hái thành công của vụ mùa.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch cho biết: “Ở địa phương, chúng tôi thường gọi ngày 10/10 âm lịch là ngày tiệc bánh giầy. Vào ngày này, nhiều gia đình trong làng nghỉ làm ở nhà nấu cỗ, giã bánh giầy cúng tổ tiên và ăn uống rất đông vui. Cũng có gia đình do bận công việc không làm cỗ được, nhưng nhất thiết phải có đĩa bánh giầy cúng tổ tiên, thần linh chúa đất”.
Trước đây, Tết Cơm mới kéo dài đến hết tháng Mười âm lịch, khi ngoài trời có mưa, nông dân bắt đầu bước vào vụ mùa mới. Truyền thống phong tục này có từ thời xa xưa và đến nay vẫn được duy trì ở nhiều địa phương
Bài, ảnh: Hà Trần