Ở làng Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc có nhiều hộ gia đình làm bánh đúc, nhưng ngon nổi tiếng phải kể đến bánh đúc bà Phương (bà Nguyễn Thị Hồng Phương). Chính điều này đã giúp món ăn dân dã được bình chọn danh hiệu sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu bánh đúc kẻ Đanh.
Từ trước đến nay, bánh đúc kẻ Đanh đã nổi tiếng khắp vùng. Lý giải ý nghĩa cụm từ bánh đúc kẻ Đanh, theo bà Nguyễn Thị Hồng Phương (chủ thể sản phẩm OCOP), kẻ Đanh là tên cổ chỉ làng Đinh Xá, hay nói cách khác là bánh đúc làng Đinh Xá.
Trước đây, trong làng có nhiều người làm bánh đúc, sản phẩm được mang đi bán khắp các chợ xa gần nên nói đến bánh đúc kẻ Đanh là mọi người nhớ đến món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn này.
Gạo Q5 được ngâm với nước vôi trong để làm bánh đúc.
Để làm được những mẻ bánh đúc thơm ngon, bà Phương chọn loại gạo Q5 và ngâm với nước vôi trong từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau (khoảng 6 - 8 tiếng). Sau khi ngâm, gạo Q5 từ trắng chuyển sang màu vàng nhạt.
Gạo sau khi vớt lên được đãi nhiều lần dưới vòi nước sạch cho phai hết mùi vôi rồi đem đi nghiền. Khi nghiền gạo, bà Phương cẩn thận điều chỉnh nguồn nước vào máy xay cho hợp lý, làm sao để bột có độ sánh mịn vừa phải, không bị đặc hoặc nhão quá.
Linh hồn của món bánh đúc không thể thiếu loại lạc ré rang vàng và được ủ giòn rụm. Sau khi rang lạc xong, bà Phương quay sang nhóm lửa, bắc chiếc nồi to lên bếp để chuẩn bị nấu bột bánh. Theo bà Phương, bánh đúc phải nấu bằng bếp lửa mới ngon. Nồi bột được nấu âm ỉ, khuấy đều tay trong hơn 1 tiếng đồng hồ.
Bà Phương chọn loại lạc ré rang vàng, ủ giòn để trộn với bột bánh đúc.
Ban đầu, bột bánh đúc chưa sánh đặc nên việc khuấy bột khá nhẹ nhàng. Càng về sau, bột càng đặc khiến công việc trở lên khó khăn hơn. Có lúc, bà Phương phải dùng máy đánh bột để bột không bị vón cục mà nhuyễn, quánh lại với nhau.
Khi bột chín tới, bà Phương bắt đầu đổ lạc rang đã được làm sạch vỏ vào khuấy đều thêm một lúc. Sau đó, bà lấy một nắm rơm đốt xung quanh nồi để ủ bột chín kỹ, ráo nồi mới bắc ra.
Trong khi chờ đợi nồi bột, bà Phương quay sang cắt lá chuối lót bên dưới khuôn bánh để chuẩn bị đổ bột, định hình cho bánh đúc.
Bánh đúc được đổ vào khuôn rồi cắt miếng.
Nồi bánh đúc sánh, dẻo, thơm phức sau khi đổ ra khuôn tiếp tục được dàn đều, rắc vừng lên trên bề mặt. Xong xuôi, để khay bánh nguội hẳn, bà Phương tiếp tục cắt thành từng phên nhỏ, chia miếng vừa ăn và đóng vào hộp.
Thành phẩm bánh đúc có màu trắng sữa, điểm xuyết những hạt lạc và lớp hạt vừng bên trên. Món bánh đúc bà Phương ngon bởi không có vị nồng của vôi, thay vào đó là sự thanh mát, khi chấm với tương bần thì rất đậm vị.
Miếng bánh mềm mịn, có độ giòn, dẻo và bùi béo của lạc, thơm của vừng. Do bánh ngon nên thực khách muốn thưởng thức phải điện thoại đặt hàng mới có bởi bánh đúc bà Phương không bán đại trà.
Theo các bậc cao niên ở xã Nguyệt Đức, bánh đúc là món ăn phổ biến của địa phương từ những năm 60 của thế kỷ trước. Người dân làng Đinh Xá từ xưa đã có truyền thống nấu bánh đúc. Bánh đúc chấm tương ăn đã ngon, ăn kèm với canh cua, nước riêu… còn ngon hơn.
Tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh đúc ở nhà bà Phương chúng tôi mới thấy hết sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị, chế biến đến đóng gói và bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu làm bánh phải được lựa chọn kỹ lưỡng, thu mua từ các sản phẩm nông sản của địa phương như gạo Q5, lạc, vừng…
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, chủ cơ sở sản xuất và chế biến bánh đúc cho biết: “Ngày nay, làm bánh đúc nhàn hơn bởi có máy móc hỗ trợ. Trước đây, việc đánh bột được làm thủ công rất vất vả. Nhất là vào mùa hè, bếp lửa nóng cộng với việc đánh bột đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe dẻo dai".
Được công nhận sản phẩm OCOP, bánh đúc bà Phương đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường. Với người dân xã Nguyệt Đức, bánh đúc không chỉ là món ăn gắn với truyền thống văn hóa của người dân nơi đây, mà còn mở ra tiềm năng về một sản phẩm OCOP đầy triển vọng của địa phương.
Bài, ảnh: Hà Trần