Bởi thế, nên những ai khi vào khu rừng này đều đẽo dăm cây nứa vạc nhọn, vác lên vai nhô khởi đầu, hổ trông thấy nứa nhọn, ngại không dám vồ.Thường nơi hổ ở không một ai dám lai vãng. Nhưng ở đầu ngọn Thiên Ấn lại có một ngôi chùa và một ngôi miếu gần nhau. Một bận, hổ mun đứng từ một vách núi nhìn sang, thấy một hòa thượng đầu trọc, mặc áo già lam, tay xách tay nải đến trước chùa mở cửa, tự mình lấy nước tắm phật, thay bát hương, thắp đèn nến và ngồi tụng kinh. Hổ mun đang cơn đói tìm sang... ngồi ở ngoài sân nhìn vào. Hòa thượng biết có hổ ngồi sau lưng mình, song vẫn điềm nhiên gõ mõ tụng kinh, như không hề có chuyện gì xảy ra cả... Khi cúng phật xong, hòa thượng đến trước bàn thờ “Năm dinh quan lớn” (ngũ hổ).Phía đền thờ Mẫu thượng ngàn, ném ra sân chiếc giò luộc nói: - Lộc của Mẫu ban cho thí chủ, hãy hưởng đi. Hổ mun nhìn hòa thượng nhe nanh, gầm khẽ trong họng rồi cúi cầm ngay chiếc chân giò luộc, chạy sâu vào trong rừng. Từ đó, hổ mun không quay lại chùa nữa... Nó kiếm ăn ở đâu không rõ... Sư ở trên núi cao, thường mỗi tuần xuống núi một lần, đong gạo, vừng, lạc, đậu, muối rồi lại trở về chùa tụng kinh gõ mõ. Chỉ khi nào sư ốm, hoặc có việc gì nguy cấp, sư sẽ đánh những hồi chuông rất gấp. Những tín đồ vốn quý trọng sư sẽ nghe thấy, tìm đến giúp ông... Một bận, sư từ trong rừng hái nấm về, thấy trước sân chùa, con hổ mun nằm ở đấy. Nó vừa thoát khỏi một cuộc săn... vai cọp rách toạc một miếng vì giáo của người đi săn đâm và ở chân trước còn dính một mũi tên cắm sâu vào trong thịt... Hổ thấy sư về, ngước mắt nhìn, tỏ ý cầu cứu. Vả lại, nó cũng đã mệt, bởi tên người đi săn có tẩm độc, thuốc bắt đầu ngấm vào phủ tạng... nó há miệng, rớt dãi xểu ra... Hòa thượng vội đặt tay nải lên chiếc trường kỷ, tìm thuốc giải độc, hòa vào nước đổ ngay cho Hổ mun uống... Hổ nằm im, lim dim mắt để sư chữa cho. Thỉnh thoảng, nó lại rùng mình một cái khiến sư cũng giật mình dừng tay lại.Sư cười, hóa ra hổ chỉ đau mà cựa thôi. Sư vuốt đầu hổ, lấy tay xoa mạnh vào vết thương. Hổ nằm im như đứa con ngoan để mẹ chăm sóc... Mấy ngày liền như thế, sư rửa vết thương cho hổ mun, rắc diêm sinh lên vết thương, cho đỡ nhiễm trùng... Hổ được chăm sóc xong, nhìn sư gật đầu như cảm ơn rồi lùi lùi vào rừng... Những ngày sau, cứ đúng lúc mặt trời bằng con sào, hổ lại tới, nằm trước sân chùa. Hòa thượng lại ra xem vết thương lấy nước muối loãng rửa và lại dùng thuốc bột rắc cho vết thương của hổ chóng lành... Rồi hổ liền vết thương, lên da non, mọc lại cái vằn màu mun, có điều không được xẫm như trước mà nhạt đi chút ít.Mấy hôm, hổ không quay về nữa... Bỗng một hôm, sư vừa ở cửa chùa bước ra thấy hổ càm một con nai đặt xuống sân chùa rồi kêu khe khẽ: “Cà um... cà um...”, cái đuôi thì vẫy đi, vẫy lại. Sư giơ bàn tay ra vẫy hổ, miệng cười nói với hổ mun như thể nói với một tín chủ đến thăm chùa: - A di đà phật. Thiện tai! Thiện tai.Con trả ơn ta chữa vết thương cho con đấy hả? Sư đến bên hổ, lấy tay xoa đầu nó. Hổ dùn mắt, cọ má vào chân sư. Sư nói: - Con có lòng, nhưng nhà sư thì ăn chay, chứ có ăn mặn đâu! Nhưng cảm ơn con, lộc này ta sẽ dành cho dân làng... Hổ vừa đi, sư liền thỉnh chuông, kể lại chuyện hổ tạ ơn cho mọi người nghe, rồi trao con nai cho họ về làm thịt. Suốt dọc đường, người ta kháo nhau râm ran về con hổ có nghĩa, và cho sư thầy là bồ tát hóa thân... * * * Bẵng đi một năm, không thấy hổ mun quay lại. Một bữa, chú tiểu lên đền thì sư thầy đã hóa. Nguyện theo di chúc của hòa thượng, các phật tử lập đàn chay, chạy đàn rồi hỏa thiêu cho thầy. Đàn chay chạy suốt ba ngày đêm. Ngay đêm thứ nhất đã thấy hổ mun về chùa. Nó nằm trước giàn hỏa, lành hiền không làm rầy ai cả. Những vãi già cầm phướn đi ngang trước mặt hổ thì thấy ở hai khóe mắt, nước mắt hổ đang ứa ra. Cảm động, nhiều người cũng khóc theo hổ. Ai cũng khen hổ hiếu nghĩa... Khi giàn hỏa thiêu được các vãi già châm đuốc bốc cháy đùng đùng, hổ vẫn nằm cạnh đó. Cho đến khi ngọn lửa bốc cao, những đám than đỏ rừng rực đã ánh lên chói chang cả khu chùa, thì hổ gầm lên một tiếng rồi nhảy vào đống lửa.Giàn hỏa thiêu lụi, người ta bới ra được những viên xá lỵ của người và hổ. Xá lỵ của hòa thượng nhỏ còn xá lỵ của hổ to hơn. Các vãi nhặt các viên xá lỵ của hòa thượng và của hổ ra. Khi tháp xây xong, những tầng trên đặt xá lỵ của sư thầy, còn xá lỵ của hổ được đặt ở tầng dưới. Cả hai đã siêu sinh tịnh độ.Những ngày Phật đản hoặc những buổi lễ trọng, trong khói nhang, trong tiếng chuông mõ của chùa thường có những áng mây từ bốn phương tụ về ngôi chùa ở vách núi Thiên Ấn. Và, trong hình đám mây đó, người ta thấy một thiên tôn cưỡi hổ mun hiện ra, nét mặt hiền từ, rẩy nước cam lộ xuống, ban phúc cho mọi nhà đang cầu nguyện, với tấm lòng thành kính trước chư tiên, chư Phật. Ngô Văn phú |