Căn cứ Nghị quyết số 07 ngày 28/7/2009 của HĐND tỉnh quy định khung lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc thu không quá 2.000 đồng/bản; lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính thu không quá 1.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở đi không quá 500 đồng/trang nhưng tổng số lệ phí thu không quá 50.000 đồng/bản; lệ phí chứng thực chữ ký thu không quá 5.000 đồng/trường hợp. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, mức giá thu theo quy định cũ đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh lại mức thu lên trần tối đa cho phép. Theo đó, Tờ trình quy định mức thu lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc là 3.000 đồng/bản; chứng thực bản sao từ bản chính thu 2.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở đi thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu 100.000 đồng/bản; lệ phí chứng thực chữ ký thu 10.000 đồng/trường hợp. Đối với tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ: Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, tổng nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở của tỉnh trên 5.270.000m2 sàn; giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở trên 7.894.000m2 sàn. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng nhà ở ký túc xá dành cho học sinh sinh viên cả 2 giai đoạn khoảng 598.000m2 sàn. Tổng nguồn vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn khoảng 39.698 tỷ đồng... Về tờ trình, dự thảo Nghị quyết đề nghị ban hành quy định hỗ trợ dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có nêu các vấn đề, nội dung về: Sự cần thiết ban hành; quá trình thực hiện; nội dung của cơ chế ; phạm vi và đối tượng áp dụng; điều kiện hỗ trợ; nội dung hỗ trợ (Điều I) và việc tổ chức thực hiện (Điều II)... Tham gia góp ý vào tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (thay thế Nghị quyết số 07/2009/NQ- HĐND ngày 28/7/2009 của HĐND tỉnh) các đại biểu thống nhất không cần thay thế Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, chỉ cần sửa đổi Điều 1 của Nghị quyết này để quy định mức thu lệ phí cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay. Tham gia góp ý đối với tờ trình về việc đề nghị thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm một số căn cứ; nêu rõ thực trạng, nhu cầu nhà ở và tính bức thiết đối với nhà thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; tờ trình cần làm rõ hơn một số nội dung quan trọng có trong dự thảo Nghị quyết; lập kế hoạch xây dựng một số dự án nhà ở tại một số khu vực cho từng giai đoạn. Các đại biểu cũng thống nhất bổ sung nội dung, cơ chế, điều kiện và phương thức hỗ trợ đối với tờ trình về việc đề nghị ban hành quy định cơ chế hỗ trợ dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh... Kết luận buổi thẩm tra, đối với tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (thay thế Nghị quyết số 07), đồng chí Khương Trung Bằng khẳng định: Cho đến thời điểm này, các nội dung tại Nghị quyết số 07 vẫn đúng với quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc quy định mức thu các loại lệ phí trước đây so với tình hình thực tế còn bất cập. Do đó, việc điều chỉnh mức thu lệ phí là cần thiết. Song, Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh chỉ cần sửa đổi tại Điều I chứ không cần phải thay thế bằng một Nghị quyết mới. Đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; việc đề nghị ban hành quy định cơ chế hỗ trợ dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Khương Trung Bằng cho rằng: Sở Xây dựng cần bổ sung nội dung về thực trạng, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tại Vĩnh Phúc, có đánh giá về tình hình thực tế và nhu cầu nhà ở trong lương lai; cần có quy định thời gian, điều kiện hỗ trợ cụ thể; xác định nguồn vốn đầu tư và phương thức hỗ trợ; cần quan tâm đến nhu cầu nhà ở, đất ở đối với khu vực thành thị và nông thôn, đây là cơ sở để có quy hoạch hợp lý... Trên cơ sở đóng góp ý kiến, đồng chí Khương Trung Bằng đề nghị Sở Xây dựng rà soát, chỉnh sửa lại tờ trình, dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh Hà Trần |