Thứ nhất: Về sự cần thiết phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Việc làm. Theo kết quả điều tra lao động việc làm hiện nay khu vực không có quan hệ lao động chiếm khoảng 67% lực lượng lao động xã hội; trong đó người làm công ăn lương chiếm khoảng 25%. Có tới 82% việc làm không chính thức trên quy mô toàn quốc, trong đó có 13% việc làm không chính thức thuộc khu vực công. Đặc điểm việc làm khu vực công, khu vực không có quan hệ lao động là bấp bênh, thiếu ổn định, điều kiện an toàn vệ sinh lao động không bảo đảm, thu nhập thấp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội không đáng kể... Hiện nay Bộ luật Lao động mới chỉ điều chỉnh được khoảng 15 triệu trong tổng số hơn 50 triệu lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân, như vậy còn khoảng 35 triệu lao động chưa có hoặc ít được pháp luật điều chỉnh. Với những lý do đó, việc xây dựng Luật Việc làm là cần thiết và tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật, bao gồm cả nhóm lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động. Thứ hai, về các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Nước ta có tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động chiếm tỷ trọng lớn. Yêu cầu của việc dịch chuyển lực lượng lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ việc làm không bền vững, thu nhập thấp, không được đảm bảo về an sinh xã hội tới việc làm có chất lượng được trả lương phù hợp và bảo đảm về an sinh xã hội là một yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Sáu nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm ở Chương II đã xử lý về cơ bản các yêu cầu này; đã bao quát cả đối tượng với nhóm lao động đã có việc làm nhưng cần tiến tới việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm, chất lượng cao hơn. Đồng thời cũng đáp ứng được với các đối tượng lao động bị mất việc làm, thất nghiệp do các cú sốc trong nền kinh tế khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, người nông dân không có đất sản xuất v.v... nay cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tìm được việc làm, có thu nhập để nuôi sống bản thân và một phần chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, để các chính sách này khả thi và hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện cần phân loại chính sách theo hướng: Thứ nhất, nhóm chính sách đối với lao động mới bước vào thị trường lao động. Thứ hai, nhóm chính sách đối với lao động đã có việc làm nhưng mong muốn tìm việc làm có chất lượng, thu nhập tốt hơn, an sinh xã hội bảo đảm hơn so với việc làm hiện tại của họ. Thứ ba, nhóm chính sách đối với lao động bị mất việc làm, thất nghiệp để quay trở lại thị trường lao động. Thứ tư, nhóm chính sách đặc thù cho lao động yếu thế, người cao tuổi, tàn tật, dân tộc thiểu số. Về cơ bản 3 nhóm 1,3,4 đã được quy định khá đầy đủ trong dự thảo luật. Tuy nhiên nhóm chính sách thứ hai là nhóm chính sách rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế thì dự thảo chưa đề cập nhiều. Đề nghị nghiên cứu và bổ sung nhóm chính sách này hướng đến mục tiêu chuyển dịch từ việc làm phi chính thức, thiếu ổn định, chất lượng hạn chế sang việc làm có chất lượng và việc làm bền vững với thu nhập thỏa đáng, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội đảm bảo, đó là chính sách hữu hiệu hướng tới mục tiêu việc làm bền vững... Cuối cùng đại biểu đề nghị tiếp tục xét chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ việc làm và có sự quản lý của Nhà nước, điều này ảnh hưởng rất lớn tới tính khả thi của luật. Việt Dũng (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) lược ghi |