Với phương châm “Xây dựng Đội vững mạnh là xây dựng Đoàn trước một bước”, Hội đồng Đội các cấp trên địa bàn tỉnh không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đội trong trường học và tại các khu dân cư. Qua đó từng bước xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh vững mạnh về chất lượng và số lượng, tạo môi trường cho thiếu nhi được học tập, rèn luyện, phát triển và trưởng thành; góp phần quan tâm, chăm lo, bảo vệ thiếu nhi.
Tập trung xây dựng Đội vững mạnh về tổ chức, Hội đồng Đội các cấp quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách Đội, chỉ huy Đội. Hội đồng Đội các cấp đã chỉ đạo các Liên đội thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Liên đội 3 tốt: quản lý tốt, sinh hoạt tốt, phong trào tốt”, chương trình “Dự bị đội viên”, mô hình “Sao tự quản”; tăng cường công tác phối hợp giữa giáo viên Tổng phụ trách Đội với giáo viên chủ nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất với Chi ủy, Ban Giám hiệu các nhà trường trong công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động Đội trong và ngoài nhà trường.
Các lớp tập huấn, các cuộc thi, các buổi liên hoan “Phụ trách sao giỏi”, “Búp măng xinh”, “Sao nhi đồng chăm ngoan”… được tổ chức thường xuyên ở các Liên đội, thông qua các hoạt động góp phần nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Đội.
Tập nghi thức Đội góp phần giáo dục ý thức kỷ luật, tư thế, tác phong và tinh thần tập thể cho đội viên trong tổ chức Đội. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên) luyện tập nghi thức đội. Ảnh: Dương Chung
Hằng năm, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tập huấn cho giáo viên là Tổng phụ trách Đội các nghiệp vụ công tác như phương pháp, cách thức xây dựng, thành lập, mô hình hoạt động của câu lạc bộ, tổ, đội nhóm thiếu nhi trong trường học; kỹ năng thiết kế và tổ chức các hoạt động trong Liên đội, trò chơi vận động cho thiếu nhi; kỹ năng hoạt náo, thu hút, tập hợp thiếu nhi; hướng dẫn thực hành yêu cầu đối với đội viên, người chỉ huy Đội…
Công tác phát triển đội viên, kết nạp đội viên mới được duy trì đúng quy trình, điều lệ. Trong đó, nhiều Liên đội đã đổi mới công tác kết nạp đội viên bằng cách tổ chức lễ kết nạp đội viên tại các khu di tích lịch sử, cách mạng của địa phương. Năm 2024, toàn tỉnh kết nạp mới hơn 38.000 đội viên, hiện toàn tỉnh có hơn 120.000 đội viên, sinh hoạt ở 295 Liên đội.
Nhằm giáo dục lịch sử, bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng cho đội viên, các Liên đội đã đổi mới nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức sinh hoạt dưới cờ, các diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, Đoàn, Hội, Đội; tổ chức qua các hoạt động gặp mặt nhân chứng lịch sử, hành trình đến với các địa chỉ đỏ…
Chú trọng công tác củng cố tổ chức Đội, phát triển đội viên, Hội đồng Đội các cấp đã xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, tạo sức lan tỏa cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Các phong trào, cuộc vận động như Thiếu nhi Vĩnh Phúc thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, Nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ, Vì đàn em thân yêu… được triển khai rộng khắp và sáng tạo với nhiều hình thức hoạt động phù hợp với từng cơ sở Đội.
Trong đó, phong trào “Thiếu nhi Vĩnh Phúc thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” là phong trào xuyên suốt, bao trùm các chương trình, hoạt động công tác Đội với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như mô hình sinh hoạt dưới cờ “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng, một cuốn sách hay”; “Đọc và làm theo Báo Đội”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, đảm nhận, xây dựng các công trình, phần việc măng non; ngày hội “Thiếu nhi vui, khỏe” (trong các Liên đội Tiểu học), “Tiến bước lên Đoàn” (trong các Liên đội THCS); cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”… Các hoạt động được lồng ghép với các yếu tố lịch sử, văn hóa, đạo đức đã góp phần bồi đắp lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho đội viên, thiếu nhi.
Hội đồng Đội từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; triển khai các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Năm 2024, có hơn 2.600 ý kiến của thiếu nhi được tiếp nhận qua các kênh, 63 ý kiến của thiếu nhi đã được gửi đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.
Các cấp bộ Đội trong toàn tỉnh quan tâm đổi mới, đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục nhận thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho thiếu nhi… Nội dung các hoạt động được thiết kế gắn với chủ đề, chủ điểm hàng tháng trong chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học của Liên đội; kế hoạch năm học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Qua đó, trang bị, nâng cao kỹ năng sống, tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh để các em thể hiện tài năng, năng khiếu.
Với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, thiết thực, công tác Đội và phong trào thiếu nhi Vĩnh Phúc không chỉ thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, góp phần vào việc giáo dục toàn diện trên các mặt đức, trí, thể, mỹ cho thiếu nhi mà còn ghi những dấu ấn tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Thùy Linh