Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, xây dựng nhiều mô hình thiết thực… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng đến một môi trường an toàn, bình đẳng; tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Trường THCS Vĩnh Yên xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Ảnh: Dương Chung
Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ xâm hại 20 trẻ em, giảm 1 vụ so với năm 2023. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em gái thời gian gần đây có xu hướng tăng và tính chất ngày càng phức tạp.
Nguyên nhân là do môi trường sống của trẻ em luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thiếu an toàn; lợi dụng sự phát triển của công nghệ, internet, nhiều đối tượng đã kết bạn, làm quen với nạn nhân thông qua mạng xã hội facebook, zalo hoặc các ứng dụng hẹn hò để dụ dỗ, ép buộc nạn nhân quay, chụp hình ảnh nhạy cảm, riêng tư, trình diễn khiêu dâm qua mạng… Sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội; sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh…
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quan tâm, chia sẻ dẫn tới các em hiểu biết không đầy đủ về đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, về những kỹ năng, kiến thức phòng, tránh việc xâm hại.
Xâm hại, bạo lực trẻ em gây hậu quả trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ của trẻ như mặc cảm, sa sút tinh thần, bỏ học; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, hạn chế quyền cơ bản của trẻ em…
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đồng thời triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em như phòng, chống xâm hại trẻ em; triển khai phổ biến Luật Trẻ em; ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình hành động vì trẻ em hằng năm.
Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thành phố cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, 1.850 cuốn sách, nhắn hơn 390 nghìn lượt tin nhắn về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cho các gia đình, học sinh trong tỉnh; tổ chức hơn 100 hội nghị truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho 4.280 gia đình và hơn 60.000 học sinh cấp tiểu học, THCS; tổ chức các đợt truyền thông lưu động, treo hàng trăm băng rôn, pa nô, áp phích tại các khu vực trung tâm…
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương chú trọng xây dựng và nhân rộng hơn 350 mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, hơn 700 địa chỉ tin cậy và hơn 220 đường dây nóng can thiệp, hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình, 20 câu lạc bộ Phòng, chống xâm hại phụ nữ - trẻ em khuyết tật, câu lạc bộ An toàn cho phụ nữ và trẻ em; duy trì các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích tại 9/9 huyện, thành phố và hiện đang tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng; tăng cường các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em tại các nhà văn hóa xã, thôn; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em; trợ giúp, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại...
Hội Phụ nữ thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) duy trì hiệu quả mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em". Ảnh: Dương Chung
Để góp phần phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, Hội Phụ nữ thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) đã chỉ đạo 10/10 Chi hội Phụ nữ trên địa bàn xây dựng mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Mô hình được thành lập nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới; tuyên truyền những tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn, ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được cung cấp kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống đuối nước; giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống, giao tiếp, ứng xử trong gia đình; phương pháp xây dựng và cách đánh giá tiêu chuẩn mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em; chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, cùng nhau xây dựng gia đình an toàn, trách nhiệm, bình đẳng, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực và xâm hại là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát, đánh giá hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình; duy trì hiệu quả và nhân rộng những mô hình, câu lạc bộ về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; chú trọng hướng dẫn trẻ em các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân… Qua đó tạo điều kiện để trẻ em được sống, hưởng thụ và vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Minh Thu