Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời và sự nghiệp của Người như một huyền thoại. Đã có hàng ngàn bài thơ, bài báo, truyện, tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh, các công trình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài đã công bố nhằm cung cấp cho hàng triệu người trên khắp hành tinh những thông tin về một nhà văn hóa kiệt xuất. Nhưng có lẽ, dù có nhiều ấn phẩm hơn thế cả ngàn lần vẫn không thể nói đầy đủ về một con người đã trở thành huyền thoại.
Năm 1987, nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO thế giới khóa 24 ở Pari (Pháp) ra Nghị quyết nêu rõ: “Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình…”. Bản Nghị quyết đã nêu: “Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Ông Tổng Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã viết: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một phần của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết của thời đại, đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này…”.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thêm một lần nhắc nhở chúng ta về công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam, với mỗi người chúng ta đang tiếp tục sự nghiệp của Người. Bác là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; Người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, tạo dựng khối đại đoàn kết dân tộc; người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân; người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Người là anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà văn hóa kiệt xuất.
Di sản của Người thật đồ sộ, vĩ đại. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc, tự do của nhân dân, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Di sản của Người còn là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản; về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức; Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Hệ thống các quan điểm ấy của Người đã được Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.
Đó là sự tri ân sâu sắc của Đảng ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. “Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta”.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc mãi mãi ghi nhớ công ơn của Người. Sinh thời, Người đã nhiều lần về thăm tỉnh và đã dành tình cảm lớn cho Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc.
Đúng ngày mồng 1 Tết cổ truyền Bính Thân (1956), Bác về thăm nhân dân xã Tân Phong (Bình Xuyên) có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1958, Bác về thăm hợp tác xã Lai Sơn (thời kỳ đó thuộc xã Cộng Hòa - Tam Dương) là hợp tác xã nông nghiệp có nhiều thành tích sản xuất, xây dựng quê hương. Năm 1961, Bác về thăm hợp tác xã Lạc Trung (thuộc xã Bình Dương, Vĩnh Tường) là điển hình tiêu biểu về trồng cây của tỉnh và cả miền Bắc. Năm 1963, Bác về thăm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Đặc biệt, ngày 2/3/1963, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc vì có nhiều thành tích trong sản xuất nông nghiệp. Tại cuộc mít tinh chào mừng Người, Bác giảng giải nhiều vấn đề quan trọng về sản xuất, về xây dựng Đảng, đoàn thể. Người căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Năm nay, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, cũng là 62 năm ngày Bác căn dặn, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh giàu có, phồn vinh. Nay Bác đã đi xa, nhưng hẳn Bác rất hài lòng vì Vĩnh Phúc đã có những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế - xã hội để kính dâng lên Bác.
Bác đã về với tổ tiên, với Các Mác và Lênin, “Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta”. Đó là khẳng định của Đảng ta trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất đọc tại lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969.
Vĩnh Phúc