Nạn sản xuất, buôn bán hàng giả được cho là xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có xã hội loài người. Tuy vậy, chưa bao giờ tình trạng này lại trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Đến mức gần như không cơ quan, đơn vị, cá nhân nào có thể biết chắc được một loại hàng hóa nào đó là thật hay giả. Như thế, người tiêu dùng dù có thông thái như giáo sư cũng bó tay chịu cứng.
Cuối tháng 4/2025, lực lượng chức năng Vĩnh Phúc kiểm tra hoạt động của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu quốc tế Vĩnh Phát tại Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương, thị trấn Yên Lạc, phát hiện khu vực kinh doanh đang kinh doanh hàng hóa gồm 1.415 chiếc túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu GUCCI đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân như thực phẩm, thuốc chữa bệnh khiến hầu hết mọi người đều “ngã ngửa” khi nhận ra rằng không nhiều thì ít, tất cả đều là nạn nhân của chúng.
Nào là rau quả ngậm hóa chất, thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa làm từ tinh bột trộn hương liệu. Dã man hơn, một số loại thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh dùng để hỗ trợ hoặc cứu người đau ốm, bệnh tật cũng bị làm giả khiến nhiều người khỏe nhanh chóng bị ốm yếu, người bị bệnh trở nặng hơn, thậm chí mất mạng.
Vì lợi nhuận, những kẻ làm giả này bất chấp tất cả, chúng coi thường pháp luật, không màng đạo đức đã đành, kể cả người thân quen, ruột thịt trong gia đình cũng bị đưa vào tròng.
Trớ trêu thay, mới đây, cơ quan chức năng còn phát hiện ra tình huống dở khóc dở cười khi đích thân ông Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang khi đảm nhiệm trọng trách “gác cổng” cho vấn đề an toàn thực phẩm của đất nước lại tiếp tay cho “giặc” tự do sản xuất hàng giả. Thử hỏi, người dân còn biết trông vào đâu trước vấn nạn đã trở thành một thứ giặc nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm xưa kia.
Trước đó, đầu năm 2024, lực lượng chức năng Vĩnh Phúc cũng đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh sữa Hùng Huệ ở đường Nguyễn Tất Thành, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, phát hiện hơn 5.000 sản phẩm sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa có diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tình trạng này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân và uy tín, thương hiệu đất nước, ảnh hưởng tới lòng tin, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Nguyên nhân là sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tham mưu của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, cụ thể, kịp thời, hiệu quả và chưa bám vào những nội dung, vấn đề diễn biến phức tạp, những vấn đề mới xuất hiện.
Sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan; một số quy định còn lạc hậu, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng tình hình; công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót; chưa huy động sức mạnh của toàn dân.
Đặc biệt, chính một số cá nhân tham gia công tác phòng chống lại có hành vi vi phạm như lực lượng chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)…
Để giải quyết tình trạng này, lấy lại niềm tin trong nhân dân và ổn định trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng quyết định lập tổ công tác đặc biệt, triển khai đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi nạn sản xuất, buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại.
Công điện của Thủ tướng về vấn đề này nêu rõ: Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài.
Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"…
Theo các chuyên gia, động thái trên của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ là rất kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, để chủ trương thu được hiệu quả cao cần có những giải pháp mang tính toàn diện và lâu dài hơn nữa để tránh tình trạng diệt được chỗ này lại mọc chỗ khác.
Cụ thể là phải bịt kín các kẽ hở cơ chế; phải quy rõ trách nhiệm đến từng ngành, từng cấp; không thể vì “chồng chéo” hay “thiếu người” mà thả nổi quản lý. Như chỉ đạo của Thủ tướng: không vì sắp xếp bộ máy mà để xảy ra khoảng trống pháp lý.
Cùng với đó, cần khẩn trương làm rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân để xảy ra hàng giả tràn lan trên mạng, trên thị trường, trong hệ thống phân phối. Xử lý không chỉ các đối tượng sản xuất, mà cả những người bảo kê, cấp phép, tiếp tay hoặc làm ngơ, sau đó công khai kết quả, để lấy lại niềm tin của người dân.
Đặc biệt, không chỉ cấp Trung ương hay cấp tỉnh, mà cả cấp xã, phường, nơi gần dân nhất, cũng cần được giao nhiệm vụ cụ thể trong giám sát sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Không thể để tình trạng “ai cũng có quyền, nhưng không ai chịu trách nhiệm”.
Có như thế, hàng thật mới có cơ may đến tay người thật. Còn không, đến người còn giả nữa thì lấy đâu ra hàng thật.
Quang Nam