Trong những năm qua, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các vùng nông thôn, cụ thể nhất là các chương trình khuyến công. Các chương trình hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển bền vững; hỗ trợ các cơ sở trong hoạt động đào tạo lao động, cải tiến, ứng dụng kỹ thuật sản xuất và tạo điều kiện quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Ở tỉnh ta, nhờ thực hiện có hiệu quả nhiều dự án, mô hình, chương trình khuyến công, hoạt động sản xuất CNNT trên địa bàn đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có hoạt động khuyến công sôi nổi nhất trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Năm 2013, Vĩnh Phúc đã hoàn thành tốt các kế hoạch, chương trình khuyến công; tạo ra một diện mạo mới cho sản xuất CNNT của tỉnh. Với hơn 830 triệu đồng hỗ trợ cho 20 cơ sở CNNT trong việc ứng dụng thiết bị, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất; khuyến công Vĩnh Phúc đã thu hút được 26,77 tỷ đồng vốn đối ứng từ các DN, cơ sở sản xuất. Việc hỗ trợ trực tiếp vào đổi mới máy móc, ứng dụng thiết bị, kỹ thuật đã kích thích các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và giảm thiểu tích cực vấn đề ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT, ngày 18 - 2 - 2014 hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Thông tư quy định việc sử dụng ngân sách Trung ương để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, tổ chức thực hiện và sử dụng ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công địa phương do UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã quản lý, tổ chức thực hiện.
Thông tư còn quy định chi tiết các mức chi kinh phí phục vụ cho hoạt động khuyến công. Cụ thể: hỗ trợ thành lập DN sản xuất CNNT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không quá 10 triệu đồng/DN; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới với mức tối đa 30%, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ các cơ sở CNNT đang hoạt động hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất để các tổ chức, cá nhân học tập (tối đa 100 triệu đồng/mô hình); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp với mức tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8 - 4 - 2014 và thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17 - 6 - 2009.
Như vậy, có thể nói, Thông tư 26/2014/TTLT-BTC-BCT được áp dụng sẽ là điều kiện thuận lợi để các chủ DN tích cực, mạnh dạn đầu tư thành lập cơ sở sản xuất CNNT. Đồng thời cũng là tiền đề tốt để các công trình nghiên cứu khoa học và các sáng tạo công nghệ có thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Điều kiện để được hưởng hỗ trợ chỉ cần các DN cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án, được cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ nhận được phần vốn tài trợ từ ngân sách khuyến công địa phương.
Hiện nay, nền kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do vậy, hoạt động sản xuất CNNT hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở các sơ sở có quy mô nhỏ, nguồn lực về tài chính còn hạn chế nên rất khó có điều kiện đầu tư mua sắm dây chuyền, công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Và điều quan trọng là hầu hết các cơ sở đều khó có thể thỏa mãn được các điều kiện để được thụ hưởng hỗ trợ từ chính sách khuyến công. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực từ phía các ngành chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh, hoạt động hỗ trợ sản xuất CNNT vẫn được duy trì và chú trọng. Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn như: tổ chức đào tạo, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho trên 420 học viên là lao động tại các làng nghề. Trung tâm cũng đã hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia các kỳ Hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm CNNT của tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn khởi sự DN và nâng cao năng lực quản lý cho các học viên là chủ các DN, chủ cơ sản sản xuất CNNT.
Theo kế hoạch, năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí triển khai hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT đầu tư mua máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật. Trung tâm cũng sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn, tư vấn cho trên 30 cơ sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; tổ chức 50 lớp, đào tạo nghề cho khoảng 1.700 lao động nhằm cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các làng nghề và các cơ sở CNNT; tổ chức giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm CNNT tiêu biểu... Đồng thời, Trung tâm sẽ nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN, cơ sở được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ các chương trình khuyến công.
Bài, ảnh Việt Sơn