Hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một. Trước thực trạng đó, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Nghi thức cúng tế trong lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, xã Lãng Công, huyện Sông Lô. Ảnh: Kim Ly
Cấp sắc là một trong những nghi lễ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công được duy trì cho đến ngày nay. Nghi lễ được tổ chức với ý nghĩa công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Vào ngày diễn ra lễ cấp sắc, gia chủ chuẩn bị đồ cúng tươm tất, gồm thủ lợn, gà, bánh giầy, xôi, oản, rượu, vàng mã dâng lên tổ tiên. Có 7 thầy cúng mặc áo thêu hình rồng màu xanh hoặc đỏ với nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ tiến hành nghi lễ. Các nghi thức tế lễ diễn ra theo tuần tự, hòa theo nhịp của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn…
Trong khi thầy cúng tiến hành các thủ tục, nghi lễ ở trên nhà chính, thì ở dưới bếp, bà con cùng nhau mổ lợn, nấu cỗ. Buổi lễ diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm. Trong thời gian này, chủ lễ không được ra khỏi nhà và kiêng quan hệ vợ chồng. Sau khi thực hiện các thủ tục, nghi lễ, người thụ lễ được công nhận là người đàn ông Dao trưởng thành, được ngồi với các già làng để bàn bạc những công việc hệ trọng của làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho thầy cúng trong các buổi cúng lễ của tư gia cũng như của cộng đồng.
Ông Phùng Thế Vị - nghệ nhân nhân dân loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công cho biết: "Ngoài lễ cấp sắc, đồng bào dân tộc Dao hiện còn duy trì thực hiện nhiều nghi lễ khác như lễ đặt tên, lễ cưới, lễ tang, lễ khai xuân, lễ cúng Thổ thần… cùng các phong tục truyền thống trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Rằm tháng Bảy, Tết cơm mới, Tết nhảy… Mỗi nghi lễ, phong tục đều mang một ý nghĩa riêng nhằm gửi gắm những ước vọng của đồng bào dân tộc Dao về một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.
Đồng bào dân tộc Dao hiện còn giữ gìn được tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực truyền thống; đồng thời bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như: Tranh thờ (gồm 2 bộ chính là tranh thờ thần linh và tranh thờ thần pháp), múa dân gian (múa chuông, múa cờ, múa roi…), âm nhạc dân gian (điệu hát giao duyên)…".
Vợ chồng ông Phùng Thế Vị, thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô còn lưu giữ được nhiều vật dụng truyền thống của người Dao. Ảnh: Kim Ly
Những năm qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao như truyền dạy tiếng nói, điệu hát giao duyên cho thế hệ trẻ; tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với nhân dân các dân tộc trong tỉnh; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ dân ca, dân vũ.
Một số nghi lễ đặc sắc như lễ cấp sắc, lễ làm nhà xe của đồng bào dân tộc Dao được các nghệ nhân biểu diễn tại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở quảng trường Khu du lịch Tam Đảo, góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Sự xâm nhập của các nền văn hóa từ bên ngoài ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nhiều người trẻ không biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình mà chỉ học chữ quốc ngữ và ngoại ngữ để phục vụ cho công việc.
Việc dạy, học tiếng nói, chữ viết của dân tộc chủ yếu dưới hình thức truyền miệng chứ không tổ chức thành lớp học. Đa số các nghệ nhân và những người am hiểu sâu sắc về những phong tục, tập quán của người Dao tuổi đã cao.
Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, người Dao chủ yếu ăn mặc giống người Kinh và chỉ mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết. Những kiến trúc nhà của người Dao (nhà trệt, nhà sàn) đã có sự thay đổi, đa số là nhà xây bằng gạch, ngói, chỉ còn một số hộ giữ được mẫu nhà truyền thống nhưng cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Chủ tịch UBND xã Lãng Công Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Để tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, thời gian tới, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa; thành lập mới và duy trì hoạt động các câu lạc bộ dân ca, dân vũ trong đồng bào dân tộc Dao.
Tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu hát giao duyên của dân tộc cho thế hệ trẻ; khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Bạch Nga