Múa dân gian là loại hình nghệ thuật tồn tại lâu đời nhất trong nghệ thuật múa Việt Nam. Với ngôn ngữ được thể hiện qua những điệu múa duyên dáng, tinh tế, các động tác phản ánh quá trình lao động của người dân trong các làng, xã… đã thu hút rất đông giới trẻ hiện nay theo học.
Lớp múa dân gian của Học viện Nghệ thuật AMA thu hút khá đông các bạn trẻ
Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thu Vân, ca sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh, Giám đốc Học viện Nghệ thuật AMA: “Múa dân gian được phát triển từ các điệu múa dân tộc Việt Nam như Mông, Sán Dìu, Khơ Mú… Ở Vĩnh Phúc, múa dân gian được phát triển từ các điệu múa cổ xưa như múa mõ, trống quân Đức Bác... Hiện nay, các biên đạo múa đã phát triển các điệu múa dân gian theo hơi hướng phong cách hiện đại và được đông đảo các bạn trẻ yêu thích”.
Bộ môn nghệ thuật múa dân gian được giới trẻ ưa thích và tham gia học tại các trung tâm, học viện... Người theo học khá đa dạng như sinh viên, công chức, dược sĩ, giáo viên… ở độ tuổi từ 18 - 42.
Tại Học viện Nghệ thuật AMA, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, lượng học viên tham gia khá đông. Giảng viên bộ môn múa Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Học viện Nghệ thuật AMA tổ chức 2 lớp học/ngày vào buổi trưa và tối để tạo thuận lợi cho các bạn tham gia sau giờ học, giờ đi làm. Đặc biệt, các khóa học liên tục tăng số lượng người tham gia cho thấy sự hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật múa dân gian.
Chỉ trong 1 năm, mỗi lớp học đã thu hút hàng chục học viên. Đặc biệt, các điệu múa được biên đạo theo hướng hiện đại nhưng luôn giữ hồn cốt dân tộc như điệu múa của dân tộc Dao, Cao Lan ở Vĩnh Phúc. Các trang phục nhẹ nhàng cùng với âm nhạc ngân nga đã khiến những điệu múa dân gian có sức hút mãnh liệt”.
Lựa chọn học múa dân gian, giới trẻ có thêm cơ hội tìm hiểu văn hóa cũng như nguồn gốc của những điệu múa với sự mềm mại, uyển chuyển, đồng thời góp phần bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này. Ở Vĩnh Phúc, những điệu múa dân gian thường được gắn với những bài hát mang “hơi thở” dân gian dân tộc như Cây đa quán dốc, Cò lả, Quê tôi, Gió đánh đò đưa, Inh lả ơi, Cô gái về bản… và được biên đạo đa phần sử dụng, phát triển mang hơi hướng phù hợp với giới trẻ mà vẫn giữ được nét truyền thống.
Biên đạo thường đưa các điệu múa minh họa cho các bài hát hoặc tách rời thể hiện nhiều ý nghĩa, phản ánh phong phú đời sống lao động, nội tâm, tôn vinh giá trị văn hóa vùng miền, các sắc màu cuộc sống xã hội, con người với truyền thống và hiện đại. Múa dân gian còn có thể được coi là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, qua đó người xem có thể hình dung nét văn hóa truyền thống hòa nhập và tiếp thu chọn lọc nét văn minh hiện đại.
Các em thiếu nhi thể hiện điệu múa dân gian độc đáo trên sân khấu
Những năm gần đây, trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc, đoàn nghệ thuật Vĩnh Phúc đã giành được nhiều giải thưởng, huy chương về các tiết mục hát, múa dân gian… Với các tiết mục múa dân gian ngày càng nâng cao tính nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ đã thêm những khát khao sáng tạo và cống hiến. Giới trẻ hiện nay cũng đam mê bộ môn nghệ thuật múa dân gian để được tìm hiểu văn hóa cũng như thể hiện tài năng của mình.
Chị Đỗ Thị Thu Hương ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Học múa dân gian không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, mềm mại và linh hoạt hơn. Đồng thời, mỗi điệu múa là một câu chuyện hấp dẫn khiến người học muốn tìm tòi, khám phá về muôn sắc màu văn hóa của dân tộc. Múa dân gian cũng mang lại cho bản thân một tâm trạng vui vẻ, thoải mái sau những giờ làm căng thẳng".
Chị Phạm Thị Vân Anh ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã đam mê bộ môn múa dân gian nhưng do nhiều lý do nên tôi đã không theo đuổi được ước mơ trở thành nghệ sĩ múa. Khi ra trường đi làm, được biết trên địa bàn thành phố có Học viện Nghệ thuật AMA mở các lớp múa nên tôi đã theo học hơn 1 năm nay và có những trải nghiệm khá thú vị; đặc biệt, qua các điệu múa tôi có thể tìm hiểu sâu hơn nét văn hóa độc đáo cũng như bản sắc của dân tộc”.
Múa dân gian đang được ngành Văn hóa cũng như các trung tâm, học viện trong tỉnh quan tâm, khôi phục, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong đời sống tinh thần của người dân, mà còn góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng.
Bài, ảnh: Thu Thủy