Nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh (Sở VH- TT&DL) đã duy trì tốt hoạt động nghệ thuật biểu diễn Chèo tại các xã nông thôn, miền núi. Những vở diễn, trích đoạn Chèo cổ, đương đại hay các làn điệu dân ca Chèo ngọt ngào, sâu lắng do các nghệ sĩ biểu diễn đã thu hút được đông đảo nhân dân địa phương đến xem, tạo không khí rộn rã khắp các làng quê.
Công phu những đêm diễn
Nếu việc chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các xã nông thôn, miền núi gọn nhẹ bao nhiêu thì hoạt động biểu diễn nghệ thuật Chèo đòi hỏi sự công phu với sự tham gia, góp sức của hơn 40 người ở các vị trí diễn viên, nhạc công, phục trang, kỹ thuật…
Để đưa chiếu Chèo lưu động đến được các xã nông thôn, miền núi, trước đêm biểu diễn, cán bộ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh phải liên hệ với các địa phương, khảo sát địa điểm sân bãi, công tác an ninh gắn với tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để đông đảo bà con nhân dân nắm bắt được lịch biểu diễn để đến xem.

Mỗi buổi diễn lưu động có sự tham gia của hơn 30 diễn viên, kỹ thuật viên.
Từ sáng sớm, bộ phận kỹ thuật phụ trách âm thanh, ánh sáng phải có mặt ở địa phương để lắp đặt thiết bị tại sân vận động. Còn đội diễn viên, nhạc công, phục trang sẽ lên sau, trước giờ công chiếu hơn 1 tiếng để chuẩn bị.
Trung bình, thời lượng mỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật Chèo kéo dài từ 90-120 phút. Thời gian tuy không nhiều, nhưng để buổi biểu diễn thành công, hàng chục con người trong đoàn Chèo phải lao động, cống hiến hết mình và khi trở về nhà đã gần nửa đêm. Trước đó, hằng ngày, các nghệ sĩ phải thường xuyên luyện tập, dàn dựng những vở Chèo mới để mang đến cho bà con những tác phẩm lôi cuốn, hấp dẫn, đậm chất nghệ thuật.

Các vở diễn, trích đoạn Chèo đều có sự đầu tư công phu về kịch bản, diễn xuất, trang phục...
Ông Phan Văn Huy, Trưởng Phòng Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh) cho biết: “Nội dung các vở diễn, trích đoạn chèo, làn điệu dân ca chèo hướng đến ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, gắn với hình tượng con người, danh nhân của địa phương. Ví dụ như các tiết mục “Học trò xử án”, “Chuyện nhà ông Dực”, “Chuyện ông quan mơ” hay các hoạt cảnh xẩm… mang tính giáo dục, giải trí cao. Đặc biệt, mới đây, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh đã dàn dựng vở Chèo về anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Tác phẩm đã công chiếu ở nhiều địa phương và được đông đảo bà con nhân dân đón nhận”.
Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, Chèo là loại hình sân khấu kịch hát mang đậm tính dân tộc kết hợp các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch rất độc đáo. Khi diễn Chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng các nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục…

Các vai diễn đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Nội dung các vở Chèo phản ánh cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự vị tha. Chính vì thế, khi xem Chèo, mọi người được tận hưởng những phút giây thư giãn, song cũng có nhiều trải nghiệm, suy ngẫm về sự đời.
Sự nỗ lực, đam mê với nghề
Theo ghi nhận, có những buổi biểu diễn thu hút hàng nghìn khán giả đến xem, tiêu biểu như ở các xã Ngũ Kiên, Lũng Hòa (Vĩnh Tường)...
Điều này cho thấy nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân rất lớn. Bà con thể hiện tình cảm, sự yêu mến đối với nghệ thuật Chèo truyền thống, qua đó góp phần cổ vũ, khích lệ, động viên tinh thần to lớn đối với đội ngũ anh em nghệ sĩ.

Các buổi biểu diễn Chèo lưu động luôn thu hút đông đảo khán giả đến xem.
Bởi lẽ, đặc thù biểu diễn nghệ thuật lưu động rất vất vả. Không chỉ thường xuyên phải di chuyển xa, việc ăn uống trên đường của các anh chị em trong đoàn đôi khi còn bị xem nhẹ do bận, vội trước giờ biểu diễn. Được biết, chi phí mỗi buổi biểu diễn lưu động của các nghệ sĩ dao động từ 120.000- 200.000 đồng/người/tối, trong đó, mọi người phải tự túc ăn uống nên hầu hết nghệ sĩ chỉ ăn qua loa chiếc bánh mì, gói mì tôm cho nhanh gọn để kịp giờ biểu diễn.
Có không ít cặp vợ chồng nghệ sĩ cùng làm trong đoàn, khi đi biểu diễn phải gửi con hoặc cho đi cùng bố mẹ từ chiều đến đêm mới về nhà. Mùa đông rét mướt, vất vả, mùa hè nóng nực, khó chịu nhưng đều nỗ lực vượt qua. Do các buổi biểu diễn lưu động thường tổ chức ngoài trời nên phụ thuộc vào thời tiết. Những hôm trời quang, mây tạnh cơ bản thuận lợi, gặp ngày mưa gió, cả đoàn phải hoãn, giãn, chờ đợi...
Nhưng bù lại, đoàn biểu diễn luôn có lượng lớn khán giả ủng hộ. Bà con nhân dân đi xem Chèo với tâm thế phấn khởi khiến những người làm nghệ thuật như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để thăng hoa, tỏa sáng trên sân khấu.
Cũng theo cán bộ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh, so với các tỉnh, thành khác trên cả nước, Vĩnh Phúc là địa phương rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân khi có chính sách biểu diễn nghệ thuật lưu động phục vụ bà con ở các xã nông thôn, miền núi, khu công nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 105 xã, thị trấn được thụ hưởng chính sách biểu diễn nghệ thuật với số lượng 2 đêm/xã, thị trấn. Theo đó, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh sẽ có khoảng gần 300 buổi biểu diễn nghệ thuật Chèo phục vụ bà con nhân dân trong tỉnh. Điều này giúp nâng cao thu nhập cho các anh chị em nghệ sĩ, để những người hoạt động nghệ thuật sống được bằng nghề; yên tâm lao động, sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật. Qua đó cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, định hướng cho người dân hướng tới các giá trị văn hóa lành mạnh, bổ ích…
Bài, ảnh: Hà Trần