Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Trong đó, một yêu cầu quan trọng đó là “Từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”. Đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm, vào cuộc quyết liệt và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Lực lượng Công an tỉnh họp bàn giải pháp đấu tranh hiệu quả với loại hình tội phạm tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: Dương Hà
Gần 5 năm trở lại đây, Công an tỉnh khởi tố, điều tra 23 vụ án tham nhũng trong doanh nghiệp với 34 bị can, chủ yếu là hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ dẫn đến thiệt hại số tiền gần 14 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thu hồi gần 12,5 tỷ đồng.
Ở hầu hết các vụ án, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những sở hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng, vụ lợi cá nhân, gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp.
Điển hình là vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 88-03D, đường Lê Hồng Phong, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc. Vụ án này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.
Cơ quan công an điều tra, làm rõ, trong quá trình nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, một số lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định, quy trình đăng kiểm để nhận hối lộ của nhiều người với số tiền lớn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố 5 bị can về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo cơ quan công an, các vụ việc tham nhũng trong doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp; hành vi cấu thành tội phạm diễn ra trong thời gian dài. Đối tượng phạm tội chủ yếu là người có quyền hạn, chức vụ, kỹ năng nghiệp vụ nên có nhiều chiêu trò, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội để qua mắt cơ quan chức năng.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã nêu cụ thể các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và việc áp dụng pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng giúp cơ quan công an tiếp tục đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế nhất định, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật PCTN, tiêu cực, cơ chế xử lý đối với tội phạm tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau. Do đó, việc ngăn chặn, PCTN đối với loại hình này là nhiệm vụ khó khăn và nhiều thử thách, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Qua đánh giá tình hình, cơ quan công an khẳng định, giải pháp căn bản, mang tính lâu dài, hiệu quả nhất đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường quản lý cán bộ, xây dựng quy trình, quy chế công tác chặt chẽ, cụ thể, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân trong doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để chuyển thông tin đến Cơ quan Công an xác minh, giải quyết.
Một trong những giải pháp quan trọng khác là cần có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp mình quản lý.
Với vai trò nòng cốt, cơ quan điều tra thường xuyên phối hợp với các cơ quan tư pháp lựa chọn vụ án điểm để đưa ra xét xử công khai, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa với phương châm "Làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Từ đó, quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh vì sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.
Lê Minh