50 năm phát triển cùng dòng chảy lịch sử của đất nước, văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, phát huy vai trò là mạch nguồn đời sống tinh thần của xã hội. Với hệ giá trị nhân văn sâu sắc, các tác phẩm VHNT được thể hiện đa dạng ở nhiều thể loại khác nhau thực sự đã trở thành liều thuốc quý cho sức khỏe tinh thần nhân dân, góp phần bồi đắp niềm tin, tôn vinh các giá trị truyền thống cao đẹp.

Học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc biểu diễn âm nhạc động viên tinh thần bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Ảnh: Kim Ly
“Mang âm nhạc đến bệnh viện - Khi giai điệu trở thành câu nói yêu thương” là chương trình vừa được đoàn viên, thanh niên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và các thành viên Câu lạc bộ CGC - CVP’s Guitar Club của nhà trường thực hiện tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.
Thầy giáo Tô Việt Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Với mong muốn đem lại những giây phút thư giãn cho các y bác sĩ, người bệnh đang điều trị, đoàn viên, thanh niên nhà trường đã dành tặng các y bác sĩ và người bệnh 5 ca khúc sâu lắng, trữ tình với nội dung về tình cảm gia đình, về mái nhà thân thương, mong ước của bố mẹ đối với đứa con thân yêu, về một con ngõ nhỏ thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày... Những giai điệu ngọt ngào cất lên với hy vọng mang lại sự lạc quan, giúp xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm niềm vui và động lực như một liều thuốc quý, liệu pháp tinh thần bằng nghệ thuật giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật”.
Với quan điểm "Nghệ thuật vị nhân sinh" tức là nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội, phát triển vì con người, đội ngũ văn nghệ sĩ mong muốn các tác phẩm VHNT luôn được nhân dân yêu quý, trở thành liều thuốc quý nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con người được thả hồn vào thế giới đầy màu sắc, ẩn chứa vẻ đẹp của cảm xúc, của khát vọng về một thế giới quan tinh tế và kỳ diệu; tiếp thêm niềm tin yêu, giải tỏa áp lực và chữa lành vết thương tinh thần.
Nhạc sĩ Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Luôn ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, đội ngũ ca sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh đã nỗ lực sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn nhằm mang niềm vui, tiếng cười, lan tỏa giá trị cộng đồng để bồi đắp đời sống tinh thần cho khán giả. Hằng năm, cùng với các buổi biểu diễn theo chuyên đề, biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, của đất nước, diễn viên, nghệ sĩ nhà hát thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật vui tươi, gần gũi dành tặng bà con vùng nông thôn, miền núi, công nhân các khu công nghiệp.
Trong giai đoạn chống dịch Covid-19, nhằm góp phần lan tỏa, cổ vũ nhân dân lạc quan, vững vàng vượt qua đại dịch, làm ấm lòng các y bác sĩ ở tuyến đầu, làm rung động triệu trái tim, nhiều vở diễn, bài hát về đề tài chống dịch như nhạc phẩm "Vĩnh Phúc đồng lòng đánh bay Corona" (nhạc sĩ Trần Bình), "Niềm tin chiến thắng" (nhạc sĩ Phan Huy); các tiểu phẩm, hoạt cảnh sẩm, hoạt cảnh chèo “Chung tay chống dịch”, “Thần dược chống Covid”, “Bữa cơm trưa”... đã được đội ngũ văn nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết sáng tác và biểu diễn. Các tác phẩm được khán giả đón nhận nồng nhiệt là món quà và niềm vui của người nghệ sĩ”.

Các tiết mục nghệ thuật trong chương trình khai mạc Ngày hội du lịch Xuân Vĩnh Phúc 2025 đã góp phần tạo sự vui tươi cho khán giả. Ảnh: Kim Ly
Phát huy vai trò trong nền y khoa hiện đại, các loại hình VHNT được sử dụng theo nhiều cách khác nhau đã góp phần tăng khả năng chữa lành vết thương cảm xúc, giảm triệu chứng tiêu cực, thay đổi hành vi và tác động tích cực giúp tình trạng bệnh chuyển biến lạc quan.
Theo đó, 4 phương pháp trị liệu bằng nghệ thuật được nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn hiện nay là trị liệu bằng âm nhạc, trị liệu nghệ thuật thị giác, biểu hiện sự sáng tạo dựa trên chuyển động và trị liệu bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương pháp trị liệu nghệ thuật nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Nương, phụ trách Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: “Hiện nay, Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng đang điều trị tích cực cho 50 trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn ngôn ngữ. Cùng với các phương pháp can thiệp y khoa, phương pháp ABA (phân tích hành vi ứng dụng dựa trên nền tảng khoa học về hành vi và học tập), điều dưỡng và giáo viên tại Đơn nguyên còn sử dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, trị liệu nghệ thuật thị giác, trị liệu bằng ngôn ngữ nghệ thuật cho trẻ. Quá trình kết hợp điều trị bằng nghệ thuật đã góp phần tăng hiệu quả can thiệp, nâng cao nhận thức và giúp trẻ phát huy cảm xúc tích cực”.
Nhằm khích lệ, cổ vũ đội ngũ văn nghệ sĩ tăng cường sáng tác các tác phẩm VHNT giàu tính nhân văn, giàu cảm xúc, phát huy vai trò là điểm tựa tinh thần của nhân dân, Hội VHNT tỉnh thường xuyên triển khai hoạt động bồi dưỡng nâng cao khả năng tư duy, khả năng sáng tác cho hội viên; tổ chức hội thảo “Cập nhật thông tin về xu hướng sáng tác VHNT trong giai đoạn hiện nay”; mở các trại sáng tác tập trung; tổ chức đi thực tế sáng tác.
Các hoạt động thiết thực được triển khai hiệu quả đã giúp đội ngũ văn nghệ sĩ được trải nghiệm những vùng đất mới, hiểu hơn những trang sử hào hùng của dân tộc, khai thác những chất liệu, chi tiết đắt giá cho các tác phẩm nghệ thuật.
Từ đó, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực trong các sáng tác, phát huy tốt vai trò là mạch nguồn tinh thần của đời sống xã hội, tôn vinh giá trị nhân văn, nhân đạo và tinh thần đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.
Quỳnh Hương