Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, những năm qua, tỉnh chú trọng hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh, con người, những tinh hoa và giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh đến bạn bè quốc tế. Qua đó không chỉ ghi dấu ấn trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc và thế giới mà còn tạo động lực cho hoạt động du lịch phát triển bền vững.
Phố đi bộ Lala Town nằm trong quần thể Flamingo Đại Lải Resort là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, hệ thống giao thông kết nối với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận của Vĩnh Phúc rất thuận lợi, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch và đầu tư tương đối đồng bộ giúp tỉnh có nhiều cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa với các địa phương trong vùng và quốc tế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, hơn 400 lễ hội truyền thống, 571 di sản văn hóa phi vật thể và 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc.
Thực hiện Quyết định số 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030", UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242 về thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa tỉnh đến năm 2030. Thường xuyên chỉ đạo sát sao các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh bằng nhiều hình thức.
Đồng thời triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, ngoại giao văn hóa như tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, tuần chiếu phim Ấn Độ, đêm Festival nhạc mới Á - Âu, xuất bản ấn phẩm, chuyên san giới thiệu về tỉnh… nhằm quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch, sự kiện văn hóa của Vĩnh Phúc đến các nước bạn, cũng như tăng cường sự hiểu biết về văn hóa của các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên gửi công thư chúc mừng Quốc khánh các nước Australia, Ấn Độ, New Zealand, Bulgari, Israel, Vương quốc Anh, Nga và Philippines… Linh hoạt chuyển đổi hình thức trao đổi thông tin với các địa phương nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế phù hợp với tình hình mới.
Trong năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với Đại sứ quán Bungari tổ chức Ngày chữ viết Sla-vơ và triển lãm tranh; phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Ngày quốc tế Yoga lần thứ 10, chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ… Hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai phong phú, đa dạng đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
Nhờ các hoạt động ngoại giao văn hóa được quan tâm, thực hiện, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có gần 570 cơ sở lưu trú du lịch; 25 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế với thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, nhiều địa điểm du lịch, khu du lịch nổi tiếng của tỉnh được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và lựa chọn như Flamingo Đại Lải Resort (Phúc Yên); khu du lịch Tam Đảo (Tam Đảo)… Năm 2024, tỉnh đón 10,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với năm 2023, trong đó có 90 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2023.
Các đơn vị lữ hành đẩy mạnh triển khai nhiều tour du lịch tham quan, khám phá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc như tổ chức giải đua xe đạp đường trường “Về đất Mẫu Tây Thiên” năm 2025, Ngày hội Du lịch Xuân 2025 với chủ đề “Vĩnh Phúc – Sắc Xuân hội tụ”, giải bóng chuyền hơi học sinh, sinh viên... góp phần giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
Kiên định mục tiêu xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về ngoại giao văn hóa và những nét văn hóa đặc trưng.
Điều chỉnh, bổ sung chính sách ngoại giao văn hóa phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của tỉnh, gắn công tác ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, tăng cường ký kết, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... nhằm thu hút nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH của tỉnh.
Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh. Đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa gắn kết với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là người Vĩnh Phúc hướng về quê hương; thông qua cộng đồng người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Vĩnh Phúc đến bạn bè quốc tế.
Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới…
Bài, ảnh: Ngọc Lan