Những đứa trẻ ngày nay được sống trong ngôi nhà hiện đại có không gian riêng tư và thường xuyên được tiếp cận với vô vàn thiết bị thông minh thì dường như cũng dần tách rời với thiên nhiên.
Biết bao khung cảnh quen thuộc như bờ rào rau ngót ngăn giữa hai nhà, con đò nhỏ, mái gianh vách đất, cánh chuồn chuồn bay, tiếng dế rỉ rả, tiếng võng kẽo kẹt, hay màn múa sư tử bằng rổ sề dịp Trung thu, tiếng trống đình đêm 30 Tết... đã không còn được nhiều trẻ em ngày nay biết đến. Đó là lý do để tập tản văn “Ngàn mùa hoa” của cố nhà văn Băng Sơn được NXB Phụ nữ ấn hành.

62 tản văn đưa độc giả về với vẻ đẹp tự nhiên và không khí của làng quê Việt những năm 1970, 1980. Ở đó có “Tết làng” quê xưa, có cái thú chờ đợi ngày Tết, chờ đợi bánh chưng của “người bé” ngày ấy. Ở đó có “Mưa rươi” vào tháng Chín đôi mươi tháng Mười mùng năm, có tiếng “Chuông thu không” báo hiệu một ngày đã tắt... Nhà văn Băng Sơn viết về những chủ đề rất giản dị. Là hoa trái, cây lá xung quanh với “Hoa tầm xuân”, “Hoa móng rồng”, “Hoa tóc tiên”, với “Cây xoan tây”, “Cây cửa sổ”, với “Bờ rau ngót”, “Cánh bèo”, “Quả Trung thu”... Là khung cảnh làng quê với “Ngôi đình làng”, “Chiếc cầu đá”, “Quán giữa đồng”, “Cổng làng”, “Ngôi miếu”, “Bến đò”, “Dòng sông”, “Cảnh bãi”... Là nét đẹp phong tục tập quán với “Múa sư tử”, “Hương làng”, “Giỗ bà”, “Đám cưới quê”, “Chiếc nùn rơm”, “Anh bù nhìn”... Là những khoảnh khắc mùa của “Hoa đỏ”, “Mưa xuân”, “Mùa hoa sấu”, “Gió heo may”, “Giao mùa”, “Lá rụng”, “Chiều đông”, “Mảnh trăng xanh”...
Hướng tới lứa tuổi học trò, những tản văn trong “Ngàn mùa hoa” có dung lượng chữ ngắn gọn, lối viết bình dị mà đong đầy xúc cảm khiến độc giả thuộc thế hệ cũ không khỏi hoài niệm, còn bạn đọc nhỏ thời hiện đại lại háo hức tò mò tìm hiểu về cối giã gạo, ổ rơm, vó bè “làm vui một khúc sông”, chú chó đá ngồi trước cổng làng hay khám phá về “ổ cho quả”, “mưa đền cây”... Nhà văn Băng Sơn “dẫn dụ” bạn đọc về với những “Món ăn ngày bé” gây thương nhớ, những món ăn “chỉ người bé mới biết ăn, mới tìm ra cái ngon của nó. Không phải vì đói, cũng không phải vì nghèo, mà chỉ vì thích, thế thôi. Có biết ăn như thế mới là người bé”. Nhà văn cũng đưa độc giả tìm đến một thời “Chân đất” của “tuổi bé”, cái tuổi đầy hứng khởi “đầu nóng bỏng không mũ nón, bàn chân trần thường chảy máu vì giẫm gai” mà “đến với những khu vườn, những bụi tre như đến với những cảnh thần tiên”...
Chỉ qua hơn một trăm trang sách với những tản văn nhỏ xinh, nhưng “Ngàn mùa hoa” đã gói ghém được thật nhiều, về cảnh Việt, tình Việt, hồn Việt. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, “Ngàn mùa hoa” là một nhắc nhở kín đáo của Băng Sơn về việc bảo tồn nền văn hóa dân tộc và làm phong phú tâm hồn cho chúng ta. Độc giả đọc sách này biết được những giá trị mình đang sống, qua đó trân trọng những gì mình đang có, tự hào về những gì dân tộc mình đang có". Xuất bản tập sách “Ngàn mùa hoa”, NXB Phụ nữ cũng hy vọng, những tản văn này sẽ “mở ra cánh cửa văn học cho những người bé, đặc biệt là các học sinh tiểu học: Làm phong phú từ vựng, nâng cao khả năng vận dụng phép nhân hóa, so sánh, và tưới tắm niềm hứng thú với giờ tập làm văn”.
Phương Hoa (Theo hanoimoi.vn)