Xác định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục có đủ năng lực đào tạo ngành, nghề được quốc tế công nhận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Năm 2021, tỉnh lựa chọn Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc để xây dựng theo tiêu chí trường đào tạo nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế công nhận.
Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thường xuyên nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao của doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều
Triển khai Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc tích cực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại; đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, kết hợp kiến thức chuyên môn với rèn luyện kỹ năng thực hành; chú trọng kỹ năng mềm và thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên.
Thành lập bộ phận theo dõi và liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tuyển dụng; chủ động hợp tác quốc tế trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, chuẩn hóa kỹ năng nghề cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo hướng chuẩn kỹ năng nghề của khu vực ASEAN và quốc tế.
Ông Nguyễn Khắc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay, trường đang đào tạo 4 ngành nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm công nghệ thông tin, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp; 2 ngành nghề đạt tiêu chuẩn ASEAN gồm công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; 1 ngành nghề đạt tiêu chuẩn quốc gia là kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính.
Đặc biệt, chương trình đào tạo nghề điện tử công nghiệp được nhà trường xây dựng dựa trên bộ chương trình được chuyển giao từ Học viện Chisholm (Australia), đảm bảo trình độ về kỹ năng nghề, ngoại ngữ tiếng Anh cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Năm 2024, đã có 148 sinh viên cao đẳng và liên thông cao đẳng đầu tiên theo học theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường được trao bằng tốt nghiệp, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, trong đó có hơn 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.
Hiện nay, trường đang liên kết, ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc đào tạo kiến thức thực tiễn, tạo điều kiện học tập tại các doanh nghiệp và cơ hội việc làm cho sinh viên”.
Toàn tỉnh hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đảm bảo về quy mô, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đặt mục tiêu đào tạo hơn 41 nghìn học sinh, sinh viên/năm với 45 nghề trình độ cao đẳng, 74 nghề trình độ trung cấp và 135 nghề trình độ sơ cấp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN chủ động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo án giảng dạy, đảm bảo nguyên tắc nội dung từ 50 - 70% thời lượng thực hành, đào tạo kỹ năng nghề song song với giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao kỹ năng mềm và tác phong công nghiệp cho sinh viên.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch như Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022-2025...
Đặc biệt mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên trong năm học 2024-2025, tiếp tục hỗ trợ học phí cho học sinh theo khung học phí mới và ổn định ngân sách giai đoạn 2025-2028.
Năm 2024, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 81%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 38,5%. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ 20.000 - 25.000 lao động/năm, trong khi đó, lực lượng dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh khoảng 613.000 người, có khả năng đáp ứng về số lượng tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Với chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 40% học sinh sau Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN; có ít nhất 1 cơ sở GDNN chất lượng cao; có 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1 - 2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN. Đến năm 2045, tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế...
Hoàng Sơn