Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư khai thác, phát triển hệ thống lưới điện, các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo đảm môi trường. Từ đó, đóng góp tích cực cho tăng trưởng KT - XH của tỉnh và phục vụ đời sống, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân.
Công nhân Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vệ sinh cách điện tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Việt Nga, xã Đồng Văn (Yên Lạc).
Vĩnh Phúc được cấp điện từ TBA 220kV Vĩnh Yên và TBA 220kV Vĩnh Tường và các đường dây 110kV liên kết với trạm 220 kV Vân Trì (Hà Nội) và trạm 220 kV Việt Trì (Phú Thọ). Hệ thống lưới điện trung áp được đầu tư thông qua các dự án JBIC, KFW, REII, xây dựng TBA 220 KV, TBA 110 KV và các công trình lưới điện khác, cơ bản đáp ứng đủ năng lực cấp điện an toàn và ổn định.
Lưới điện hạ áp được đầu tư từ dự án năng lượng nông thôn (REII) hoàn thành và bàn giao cho các địa phương quản lý, vận hành, khai thác sử dụng giúp nguồn điện ổn định, giảm tổn thất điện năng xuống còn từ 8 - 10%/năm, đáp ứng tốt nhu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Là một trong những đơn vị bản lẻ điện trên địa bàn tỉnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Hoàng Lâu, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) đang quản lý 8 TBA lưới điện hạ thế 400V với tổng chiều dài 42 km, cung cấp điện cho gần 2.500 khách hàng.
Thời gian qua, các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã chú trọng đầu tư hệ thống nhà xưởng, chuồng nuôi theo hướng khép kín, quy mô lớn nên nhu cầu sử dụng điện tăng từ 18 - 21 %/năm.
Để đáp ứng nhu cầu điện, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, giảm hao tổn điện năng, HTX đã đầu tư nâng cấp lưới điện, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào quản lý, vận hành, kịp thời khắc phục sự cố phát sinh. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, không vi phạm hành lang lưới điện...
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào công tác quản lý lưới điện.
Nhờ đó, hiệu quả quản lý, kinh doanh được nâng lên, tỷ lệ tổn thất điện năng của HTX giảm xuống còn 10%/năm; tỷ lệ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ ngày càng cao.
Thời gian tới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Lâu tiếp tục làm tốt công tác quản lý vận hành, mua sắm, thay mới thiết bị điện, bảo đảm cấp điện an toàn ổn định. Cùng đó, làm việc với ngành điện để đầu tư thêm TBA đối với các khu vực có bán kính cấp điện lớn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt hơn phát triển KT - XH tại địa phương.
Dự kiến, sản lượng điện thương phẩm năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4 tỷ kWh, tăng 4,18% so với năm 2022. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành Công thương đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, hiện trạng sử dụng năng lượng, hiện trạng thiết bị tiêu thụ năng lượng; thực hiện đo kiểm các thiết bị tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng…
Qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, ltiết kiệm chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Vừa qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tổ chức đóng điện dự án TBA 110 kV Bá Thiện và nhánh rẽ. Công trình được xây dựng trên địa bàn xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) với tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng. Đây là TBA 110 kV không người trực thứ 10 trên địa bàn tỉnh, cho phép kết nối, trao đổi, giao thức truyền tin với Trung tâm Điều khiển từ xa Vĩnh Phúc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc và Trung tâm Giám sát dữ liệu thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Việc hoàn thành đóng điện TBA 110kV Bá Thiện và nhánh rẽ có vai trò trọng trong việc san tải cho các xuất tuyến trung áp và TBA 110kV Thiện Kế. Từ đó, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên và khu vực lân cận.
Hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng lưới điện đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, phù hợp với kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án phát triển lưới điện trong quy hoạch chung của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng có trong quy hoạch được duyệt; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Triển khai hiệu quả đề án khuyến khích, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; đề án nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn.
Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm từng bước dịch chuyển từ cơ chế tự nguyện sang bắt buộc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phối hợp với ngành điện tập trung triển khai, thực hiện thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện và triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các công trình điện như TBA 500 kV Vĩnh Yên và nhánh rẽ; đường dây Việt Trì - Tam Dương - Bá Thiện và TBA 220 kV Bá Thiện; đường dây và TBA 110 kV Tam Dương; đường dây 110kV Lập Thạch - Tam Dương; đường dây 110 kV Việt Trì - Lập Thạch; TBA 110 kV Yên Lạc; TBA 110 kV Đồng Sóc... phục vụ đắc lực cho công tác thu hút đầu tư tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh nói chung.
Bài, ảnh: Ngọc Lan