Với đà phục hồi kinh tế và sự trở lại của các đơn hàng sản xuất, từ đầu năm 2025 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Nhiều vị trí việc làm được mở rộng, bao gồm cả lao động phổ thông và lao động có trình độ chuyên môn.
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 22 nghìn lao động ở các lĩnh vực như điện tử, may mặc, cơ khí, kinh doanh và kỹ thuật. Đặc biệt, các khu công nghiệp (KCN) như Bá Thiện, Bình Xuyên, Thăng Long Vĩnh Phúc... đang mở rộng quy mô sản xuất, kéo theo nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông và kỹ thuật viên.

Công ty TNHH TKr Manufacturing Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy. Ảnh Nguyễn Lượng
Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng tuyển dụng trực tiếp tại địa phương, ưu tiên những ứng viên có tinh thần học hỏi và sẵn sàng gắn bó lâu dài. Mức lương khởi điểm hiện dao động từ từ 7 - 12 triệu đồng/tháng, đi kèm nhiều chế độ phúc lợi hấp dẫn.
Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (KCN Bá Thiện 2 - Bình Xuyên), chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao xuất khẩu cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ và châu Âu. Năm 2025, công ty mở rộng thêm 10 dây chuyền sản xuất, cần tuyển mới khoảng 800 lao động.
Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự công ty cho biết: Nhờ khẳng định được chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế, đơn hàng của công ty liên tục tăng trong những năm gần đây, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng duy trì chính sách đãi ngộ tốt về lương, thưởng, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài.
Nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng và các hội chợ việc làm chuyên đề tại các huyện, thành phố. Qua đó không chỉ kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, mà còn tư vấn, hướng nghiệp miễn phí cho thanh niên, sinh viên sắp ra trường.

Công ty TNHH Polaris Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II chuyên sản xuất mô tô, xe máy và phụ tùng xuất khẩu ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Ảnh Nguyễn Lượng
Trung bình mỗi năm, Trung tâm đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho khoảng 18 - 20 nghìn lao động trong độ tuổi lao động; tổ chức hơn 20 sàn giao dịch việc làm lưu động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo cầu nối hiệu quả giữa người tìm việc và doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, hỗ trợ tuyển dụng lao động qua mạng xã hội và phối hợp tổ chức nhiều chương trình tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.
Song song với thị trường lao động trong nước, tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan(Trung Quốc) và Đức. Đây là cơ hội để người lao động trẻ nâng cao thu nhập, tích lũy kinh nghiệm làm việc quốc tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ hoạt động tuyển dụng, đảm bảo cung ứng đủ lao động cả về số lượng, chất lượng.
Các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả đào tạo, tuyển dụng. Việc thường xuyên phối hợp giữa các bên giúp định hướng đào tạo theo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, thông tin tuyển dụng cũng được cập nhật liên tục, kết nối giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng.
Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động phổ thông; khuyến khích doanh nghiệp chú trọng chế độ phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống cho người lao động. Một số đề xuất đáng chú ý như xây dựng nhà ở xã hội, khu vui chơi và không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức đã khởi công xây dựng 352 căn hộ nhà ở xã hội tại Vĩnh Phúc, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc từng bước giải quyết bài toán an cư cho người lao động.
Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành cùng sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định Vĩnh Phúc ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với nhà đầu tư mà còn với người lao động trên hành trình tìm kiếm cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống.
Mai Liên