Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Bình dân học vụ” nhằm xóa nạn mù chữ, mở ra làn sóng khai sáng lớn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. 80 năm sau, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, tinh thần ấy được tiếp nối bằng phong trào mới “Bình dân học vụ số” được Tổng Bí thư Tô Lâm phát động ngày 18/11/2024. Tiếp nối chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngày 26/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào "Bình dân học vụ số và ra mắt nền tảng trực tuyến tại địa chỉ http://binhdanhocvuso.gov.vn. Đây là lời kêu gọi, hiệu triệu toàn dân cùng học tập, chuyển mình, làm chủ công nghệ số để thích ứng với xã hội hiện đại và không ngừng phát triển.
Ông Dương Ngọc Xuân, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) tích cực học tập công nghệ số.
“Bình dân học vụ số” chỉ thành công khi đi vào từng ngõ xóm, hộ gia đình, khi mỗi người dân trở thành một phần của hệ sinh thái số quốc gia. Trong hành trình ấy, không có ai đứng ngoài cuộc. Người cao tuổi tưởng như “xa rời công nghệ” nhưng thực chất lại rất sẵn sàng học hỏi nếu được tạo điều kiện. Hình ảnh các cụ ông, cụ bà học dùng điện thoại để gọi video cho con cháu, nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng điện tử hay sử dụng thiết bị số để cập nhật tin tức, học múa, học hát, học các bài thể dục… là minh chứng rõ nét mong muốn học tập để trở thành công dân số.
Từng được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Hội Khuyến học Việt Nam, ông Dương Ngọc Xuân, hơn 60 tuổi, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) chia sẻ: “Phong trào “Bình dân học vụ số” tạo điều kiện, cơ hội cho người dân học tập và khai thác, sử dụng hiệu quả công nghệ số, nền tảng số phục vụ công việc, cuộc sống. Bản thân tôi luôn muốn được học tập để nâng cao nhận thức. Dù đã cao tuổi nhưng tôi vẫn tham gia lớp học tìm hiểu về pháp luật; học sử dụng máy tính, internet để truy cập, tìm hiểu các tài liệu về tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức pháp luật, kiến thức về tổ chức các phong trào văn hóa khu dân cư, hoạt động khuyến học… Tôi học công nghệ để thích ứng và đến gần hơn với thế giới, để làm chủ cuộc sống của bản thân”.
Với thanh niên, học sinh, sinh viên là những người sinh ra trong kỷ nguyên số, do đó, không chỉ học nhanh, làm tốt mà còn cần xung kích trong việc hướng dẫn lại cho những người xung quanh. Họ trở thành người hướng dẫn, lan tỏa tri thức số tới gia đình, cộng đồng. Một đoàn viên thanh niên chỉ cho người thân hay bà con lối xóm cách dùng app ngân hàng, các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, truy cập tìm kiếm các thông tin tư vấn y tế, sức khỏe, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử… chính là hình ảnh của “gia sư công nghệ”, là thế hệ tiếp nối tinh thần “học để khai sáng”.
Nhận thức rõ vai trò xung kích của tuổi trẻ, Tỉnh Đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các lớp học trực tuyến về công nghệ số cho đoàn viên, thanh niên và người dân; xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” và thành lập đội hình “Bình dân học vụ số” trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ số; triển khai mô hình “Sinh hoạt số” tại các cơ sở Đoàn; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số, góp phần lan tỏa tinh thần học tập, đổi mới đến từng cán bộ, đoàn viên…
Đồng chí Vũ Đức Cường, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Định (Yên Lạc) chia sẻ: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ được tham gia lớp “Bình dân học vụ số” về các nội dung như bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu cá nhân, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ công việc và học tập… Đây là cơ hội để thanh niên nâng cao năng lực số và lan tỏa tinh thần học tập, ứng dụng công nghệ số trong cộng đồng. Đoàn Thanh niên xã Bình Định luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, xung kích, sẵn sàng là những tình nguyện viên số. Chúng tôi phấn đấu để đoàn viên, thanh niên có thể trở thành “gia sư công nghệ” trong gia đình, khu phố, xóm làng, góp phần giảm dần khoảng cách số giữa các thế hệ ngay tại gia đình và địa phương”.
Với người dân lao động, nhất là đối với người nông dân có thể hưởng lợi rất nhiều nếu áp dụng công nghệ đúng cách vào trong công việc và cuộc sống. Khi người dân có kiến thức và kỹ năng số, biết sử dụng thuần thục cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt… sẽ dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính. Hay khi sử dụng công nghệ số, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh sẽ mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận.
Người dân huyện Lập Thạch ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trà Hương
Điển hình như anh Đỗ Mạnh Hùng, xã Quang Sơn (Lập Thạch) cùng nhiều hộ là thành viên Hợp tác xã chăn nuôi hươu Việt Hùng đã khai thác thiết bị số như điện thoại thông minh, máy tính để tra cứu, học tập kỹ thuật chăn nuôi hươu lấy nhung; đồng thời sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, kinh doanh sản phẩm nhung hươu ra toàn quốc và nước ngoài.
Anh Hùng cho biết: “Công nghệ số giúp chúng tôi dễ dàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hươu, kỹ thuật cắt nhung hươu, thị trường tiêu thụ nhung hươu. Chúng tôi cũng không còn bán hàng thủ công thay vào đó là livestream, gửi hình ảnh hươu giống, nhung hươu cho khách qua Zalo, facebook… sau đó tư vấn và nhận đơn online. Nhờ công nghệ, chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là nền móng xây dựng một Việt Nam thông minh, số hóa và hội nhập toàn cầu. Một xã hội số chỉ bền vững khi người dân hiểu công nghệ, dùng công nghệ và hưởng lợi từ công nghệ. Phong trào “Bình dân học vụ số” là cơ hội để mọi người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ, từ đó vươn lên cùng thời đại.
Chuyển đổi số không khởi nguồn từ đâu xa mà bắt đầu từ chính mỗi người dân, do đó, hãy bắt đầu từ chính mình, tích cực học tập, ứng dụng công nghệ, giúp đỡ người thân, bạn bè cùng tiến bộ. Khi toàn dân cùng bước vào thời đại số sẽ xây dựng thành công một quốc gia số.
Minh Hường