Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS), ngành Thuế tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực triển khai các giải pháp tổng thể, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Được đánh giá là một trong những cơ quan tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa quản lý công, với phương châm “lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm phục vụ” giờ đây không chỉ dừng lại là khẩu hiệu mà còn trở thành triết lý hành động của toàn ngành Thuế. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và định hướng của tỉnh, nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, công tác CĐS của ngành Thuế tỉnh đã và đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đúng định hướng, dựa trên 3 trụ cột chính: Thể chế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thực hiện hiệu quả Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đội ngũ, cán bộ, công chức toàn ngành Thuế tỉnh nhận thức sâu sắc và chuyển biến rõ nét trong cách thức làm việc. Mọi hoạt động của cơ quan thuế hiện nay đều được thực hiện trên môi trường số, các dịch vụ thuế cung cấp cho NNT đều được triển khai dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ thuế điện tử ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ và giao dịch, không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính, đáp ứng các yêu cầu về quản lý thuế trong giai đoạn mới.
Đến nay, việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có mã của cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh đã khẳng định những tính năng ưu việt, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho NNT, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc kiểm tra, giám sát sử dụng hóa đơn, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro, chống gian lận trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đến hết năm 2024, đã có 337/653 NNT triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có mã của cơ quan thuế, đạt gần 52% kế hoạch, tăng 208 NNT so với năm 2023.
Năm 2024, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế, phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế (MST) cá nhân, góp phần quan trọng trong việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã định danh công dân thay cho MST được quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019.
Đến hết tháng 12/2024, hơn 127 nghìn MST thuộc 4 nhóm ưu tiên rà soát đã khớp đúng dữ liệu (đạt 70%), góp phần giúp Cục Thuế Vĩnh Phúc đứng thứ 9/64 đơn vị trong toàn ngành về công tác triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân.
Nhằm hỗ trợ NNT là cá nhân dễ dàng quản lý, theo dõi, tra cứu các thông tin liên quan trong quá trình đăng ký, kê khai và nộp thuế thông qua sử dụng tài khoản VNeID, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin của NNT, giúp NNT tiết kiệm thời gian, chi phí, ngành Thuế đã nâng cấp, bổ sung thêm nhiều dịch vụ tiện ích và mở rộng phạm vi, đối tượng sử dụng ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile). Đây được coi là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình CĐS của ngành Thuế, tạo sự gắn kết giữa cơ quan thuế và NNT, từng bước hình thành hệ sinh thái các dịch vụ thuế thông minh, góp phần hoàn thành mục tiêu “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” và “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có gần 33 nghìn tài khoản cá nhân kích hoạt giao dịch theo phương thức điện tử (tăng gần 18 nghìn tài khoản so với cuối năm 2023), trong đó, gần 13 nghìn lượt tài khoản đã tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với tổng số tiền giao dịch đạt gần 134 tỷ đồng (tăng 100 tỷ đồng so với cuối năm 2023).
Những kết quả trên khẳng định những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thuế tỉnh, đóng góp vào thành tích hoàn thành xuất sắc 10/10 chỉ tiêu nhiệm vụ được UBND giao cho ngành Thuế trong thực hiện CĐS năm 2024. Đây là động lực để cán bộ, công chức toàn ngành tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vững bước trong công cuộc chuyển đổi số.
Việt Sơn