Từ ngày 14/2, thông tư mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung nhằm hạn chế hành vi ép học sinh phải học thêm. Ngay lập tức những quy định mới này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm được nhiều người ủng hộ vì có nhiều điểm mới phù hợp.
Nhiều điểm mới phù hợp
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17 từ năm 2012.
Theo đó, Thông tư 29 quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học.
Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, trong đó: "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống". Đặc biệt, quy định mới cấm việc dạy thêm có thu tiền trong nhà trường.
Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu như lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết.
Thông tư mới quy định không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình…
Ngay sau khi được ban hành, Thông tư 29 nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các thầy, cô giáo và những gia đình có con em đang đi học.
Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên chia sẻ: Việc cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường và cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình là cần thiết, nhằm bảo đảm tính khách quan, ngăn chặn các hiện tượng không công bằng, tiêu cực (giáo viên ưu ái cho học sinh học thêm, khoanh vùng đề thi, bớt xén nội dung dạy chính khóa để dạy thêm, dạy thêm đại trà…) và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong tổ chức dạy thêm, học thêm.
Nếu học sinh có nhu cầu thì đăng ký học thêm ngoài nhà trường, cơ sở nào đảm bảo chất lượng sẽ được lựa chọn. Những quy định mới của Thông tư 29 sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa giáo viên với nhau trong hoạt động dạy thêm. Những giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tốt vẫn sẽ thu hút được học sinh từ các trường khác, lớp khác. Sẽ không còn tình trạng giáo viên ép buộc học sinh chính khóa của mình đi học thêm. Đây là cơ hội để đội ngũ giáo viên phổ thông nâng cao nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy.
Đồng tình với những quy định mới của Thông tư 29, ông Nguyễn Văn Hùng, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Thông tư 29 nếu được thực thi tốt sẽ dẹp bỏ tệ nạn học thêm, dạy thêm tràn lan, bất hợp lý, là gánh nặng của học sinh và phụ huynh. Thông tư mới cũng sẽ góp phần thiết lập lại kỷ cương cần có trong học đường, đồng thời tạo điều kiện cho các giáo viên giỏi có thêm thu nhập nhờ năng lực của mình.
Còn lắm tâm tư
Theo quy định của Thông tư 29, các nhà trường chỉ được dạy thêm không thu tiền và chỉ dành cho 3 nhóm học sinh, nhiều phụ huynh lo ngại con không có chỗ học thêm, khó có điều kiện quản lý, dạy dỗ con em.
Trao đổi với phóng viên, nhiều phụ huynh học sinh chia sẻ: Dạy thêm, học thêm trong nhà trường có những ưu điểm như mức giá thấp, phù hợp với hoàn cảnh của đại đa số học sinh hiện nay (khoảng hơn 20 nghìn đồng/buổi). Công tác quản lý nền nếp, chất lượng được siết chặt, do đó góp phần củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục.
Với những quy định mới của Thông tư 29, dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền, đồng nghĩa với việc học sinh có nhu cầu sẽ phải tìm đến các cơ sở ngoài nhà trường, giá dịch vụ theo thỏa thuận sẽ cao hơn so với mức thu của nhà trường. Bên cạnh đó, khâu quản lý chất lượng, nền nếp, cơ sở vật chất... sẽ có nhiều khó khăn, bất cập.
Nghe tin về quy định cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường, chị Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh có con học lớp 7, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên tỏ ra bất ngờ và bối rối. Từ năm ngoái đến nay, chị đều đăng ký cho con học thêm ngay tại trường với 3 buổi chiều/tuần. Học phí cũng rất rẻ, chỉ 6.000 đồng/tiết, tức chưa đến 3 triệu đồng/năm học.
“Hiện tại, nhà trường chưa có thông báo, nhưng tôi lo ngại với quy định mới, con sẽ không được học thêm trong trường với chi phí rẻ nữa”, chị Thúy lo lắng chia sẻ. Không riêng chị, nhiều phụ huynh khác, nhất là ở khu vực nông thôn, cũng băn khoăn về vấn đề này.
“Khi thông tư mới có hiệu lực, các trường sẽ không tổ chức dạy thêm với học sinh không thuộc 3 đối tượng trên. Các em muốn học sẽ phải tìm các trung tâm bên ngoài. Nhưng với các vùng nông thôn hay với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đây sẽ là rào cản. Bản thân phụ huynh như chúng tôi rất lo lắng bởi không yên tâm khi con em mình không được học ở trường với chính thầy cô của mình”, anh Nguyễn Văn Tiến, phụ huynh học sinh có con học lớp 10, xã Tử Du, huyện Lập Thạch chia sẻ.
Bên cạnh những nỗi lo của phụ huynh học sinh, không ít nhà trường lại băn khoăn về kinh phí để duy trì việc học thêm miễn phí bởi Thông tư quy định: Kinh phí tổ chức dạy thêm của nhà trường lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Thông tư 29 được ban hành sau khi bảng lương giáo viên các trường công lập từ mầm non đến đại học vừa được Chính phủ điều chỉnh tăng và sinh viên theo học ngành sư phạm đã được miễn học phí. Đây thực sự là chính sách mang tính tích cực toàn diện và triệt để của ngành Giáo dục trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên gắn liền với những quy định mới của hoạt động dạy thêm.
Dù còn nhiều tâm tư, song đa số các ý kiến đều ủng hộ và cho rằng thông tư mới sẽ giúp việc dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, thầy cô, học trò cũng sẽ dần thích nghi để đảm bảo thực hiện tốt quy định.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ